Từng có thời kỳ, đã nhắc đến smartphone là phải nói về BlackBerry. Thậm chí, nguyên mẫu Android đầu tiên của Google về cơ bản là nhái BlackBerry. Vậy mà tuần trước, “dâu đen” đã phải tuyên bố ngừng sản xuất điện thoại. Điều gì là căn nguyên của sự sụp đổ này?

Ngủ quên trên chiến thắng

Sự chiếm lĩnh tuyệt đối của iPhone và điện thoại Android hiện nay khiến nhiều người quên rằng ngoài hai nền tảng này còn có BlackBerry - cái tên từng ngự trị trên ngai của làng điện thoại.

Năm 2006, không phải Apple hay Google mà chính BlackBerry mới là ông lớn được các nhà mạng săn đón, có số khách hàng doanh nhân trung thành khổng lồ và giải pháp nhập liệu số 1 - điều chưa từng có cho một thiết bị bỏ túi. Thế nhưng hãng vừa cay đắng tuyên bố ngừng sản xuất điện thoại, chấm dứt sự vật vã kéo dài 4 năm. Vậy là sau Nokia và Palm, thêm một “gã khổng lồ” đầu hàng số phận.

BlackBerry từng làm mưa làm gió trên thị trường điện thoại di động. Ảnh: Androidheadlines

Vì sao hãng tụt dốc nhanh và thê thảm đến vậy? Dễ nhận thấy thành công trong quá khứ khiến BlackBerry bảo thủ và tự mãn. Khi iPhone và Android ra đời, ngành công nghiệp di động đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi sang màn hình cảm ứng lớn - xu thế tiến hóa không thể đảo ngược.

Apple vào cuộc trong một thời điểm hoàn hảo. HTC và Samsung tiếp tục khai thác tối đa xu hướng này. Hầu hết các nhà sản xuất thiết bị gốc Android - như LG, Sony, Samsung, HTC - liên tục nâng cấp cấu hình, thông số kỹ thuật. Khi bộ vi xử lý lõi kép khả thi, LG - bằng tốc độ nhanh nhất có thể - đưa chúng vào smartphone, trở thành hãng đầu tiên sản xuất điện thoại lõi kép.

Trong khi ở “mặt trận” Android, các hãng cạnh tranh khốc liệt dẫn đến sự tiến hóa dữ dội, BlackBerry “bình chân như vại”, lo bảo vệ những gì đã có thay vì chinh phục vùng đất mới. Điều này dễ hiểu bởi khi ấy họ có quá nhiều lợi thế: Phần lớn doanh nghiệp lớn, tổ chức chính phủ dựa trên hệ bảo mật tuyệt vời của BlackBerry; email đáng tin cậy và các chức năng tiện dụng để người dùng có thể làm việc khi di chuyển; BlackBerry Messenger (BBM) thành công vang dội khi tạo ra một ứng dụng tin nhắn phổ biến cho người trẻ.

Thời điểm đó, Symbian của Nokia có thị phần lớn nhất toàn cầu, nhưng BlackBerry lại thống trị tại Mỹ - nơi sống của những người có tầm ảnh hưởng, quyết định xu thế của các sản phẩm công nghệ thế giới. Do đó, hãng không nghĩ rằng nên vứt bỏ hết thành quả tích lũy được để lao vào cuộc đua smartphone màn hình lớn.

Sự ngạo mạn đã giết chết BlackBerry

Bảo thủ chỉ là một nửa của vấn đề. BlackBerry còn cho thấy sự ngạo mạn lặp lại đều đặn. Điển hình là việc cho ra mắt máy tính bảng PlayBook mà không có cả… ứng dụng email. Hãng cùng với Adobe - công ty cung cấp các gói phần mềm thiết kế, đồ họa, video, website - nhấn mạnh rằng Flash (công cụ để phát triển các ứng dụng, như thiết kế các phần mềm mô phỏng) là tương lai của nội dung di động.

Vì thế, BlackBerry hoãn sản xuất điện thoại thông minh cho đến khi có con chip đủ mạnh để xử lý các yêu cầu của Flash. Và Flash đã chết yểu vì hao tốn khá nhiều tài nguyên phần cứng di động.

BlackBerry còn tin rằng khách hàng sẽ chờ sản phẩm cao cấp của mình hoặc chấp nhận hạn chế của sản phẩm, bởi đó là BlackBerry. Nghe có vẻ giống cách tiếp cận của Apple khi loại bỏ giắc cắm tai nghe. Sự khác biệt lớn nhất là mỗi năm BlackBerry chỉ bán được vài chục triệu thiết bị ở thời đỉnh cao, còn Apple bán gần gấp đôi con số này trong… mỗi quý. Rõ ràng Apple có lý do để ngạo mạn hơn BlackBerry.

Theo tờ The Verge, BlackBerry quá tự mãn khi nghĩ mình có nhiều đất cho sai lầm. Hãng biết mình có rất nhiều tài sản và lợi thế nhưng miễn cưỡng thay đổi, quá tự phụ về những gì đã có.
Không nói đến iPhone hay các loại điện thoại Android, chỉ riêng việc BlackBerry giữ khư khư BBM - một ứng dụng tin nhắn tuyệt hảo - cho môi trường các thiết bị phần cứng của riêng mình đã giúp WhatsApp chớp cơ hội để trở thành một gã khổng lồ trị giá 19 tỷ USD.

Việc BlackBerry rời thị trường điện thoại thông minh mà hãng có công giúp hình thành và phát triển là nỗi buồn cho nhiều người yêu quý “dâu đen”. Sự sụp đổ đó để lại thêm một bài học đắt giá cho tất cả các công ty có sản phẩm hoặc dịch vụ với số lượng người dùng ít hơn 1 tỷ: Bất chấp việc bạn từng làm tốt như thế nào, bạn vẫn luôn có thể làm tốt hơn thế và nếu bạn không sẵn sàng để thay đổi và sợ làm những điều mới, sẽ có một ai đó làm. Thích nghi hay là chết.