Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã bình chọn 10 công nghệ của năm 2016 có thể làm thay đổi và cải thiện cuộc sống của con người trong tương lai.

Công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt đi kèm với những rủi ro về kinh tế xã hội. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới cho phép cải thiện chất lượng cuộc sống của con người trong tương lai. Những công nghệ này còn có tác động không nhỏ tới các ngành công nghiệp và việc bảo vệ hành tinh xanh. Hội đồng bình chọn của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chọn ra 10 công nghệ ấn tượng của năm 2016 có khả năng làm thay đổi cuộc sống của con người trong tương lai.

1. Cảm biến nano và kết nối nano


Với sự phát triển không ngừng của Internet vạn vật (Internet of Things), theo dự đoán, năm 2020 sẽ có khoảng 30 tỷ thiết bị được kết nối với mạng Internet. Một trong những thành tựu đáng chú ý trong công nghệ kết nối là ứng dụng cảm biến nano trong cơ thể người và vật liệu xây dựng. Điều này cho phép tạo ra mạng lưới kết nối ở cấp độ nano (Internet of Nanothings), mở ra tương lai đầy hứa hẹn trong lĩnh vực y học, kiến trúc, nông nghiệp và sản xuất thuốc.

2. Pin thế hệ mới

Năng lượng tái tạo có thể thay thế cho các nguồn năng lượng khai thác từ nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, việc lưu trữ năng lượng tái tạo để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sử dụng đang gặp nhiều trở ngại. Những tiến bộ trong nghiên cứu về năng lượng mới đây đã đưa ra giải pháp cho bài toán nan giải này. Bằng cách sử dụng loại pin thế hệ mới được chế tạo từ natri, nhôm và kẽm, những mạng lưới điện nhỏ có thể được hình thành để cung cấp năng lượng sạch cho cả một ngôi làng.

3. Công nghệ sổ cái điện tử Blockchain

Sổ cái điện tử Blockchain chính là công nghệ đằng sau những giao dịch tiền ảo Bitcoin, giúp đồng tiền ảo này trở nên phổ biến trên thị trường. Với số tiền đầu tư hơn 1 tỷ USD chỉ trong năm 2015, Blockchain đã có tác động không nhỏ tới các hoạt động kinh tế xã hội, làm thay đổi cách thức vận hành của thị trường và cả chính phủ.

4. Vật liệu 2D


Ví dụ điển hình cho vật liệu 2D là Graphene, tấm phẳng có độ dày bằng một lớp nguyên tử hình thành từ các nguyên tử Carbon kết nối dưới dạng dàn tinh thể hình tổ ong. Loại vật liệu này được ứng dụng trong các bộ lọc không khí, bộ lọc nước, các phụ kiện mang theo bên người và pin.

5. Xe tự lái


Mặc dù chưa được cho phép lưu hành hợp pháp hoàn toàn tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, xe tự lái đã chứng minh tiềm năng phát triển lớn trong tương lai khi tăng cường độ an toàn cho người lái và hành khách trên xe, giảm lượng khí thải vào môi trường, thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người cao tuổi…

6. Mô hình thu nhỏ của các cơ quan, bộ phận trên cơ thể người

Những mô hình thu nhỏ của các cơ quan, bộ phận trên cơ thể người với kích thước chỉ bằng một chiếc thẻ nhớ có khả năng tạo nên cuộc cách mạng trong nghiên cứu y học, cho phép các nhà nghiên cứu có thể theo dõi các hành vi, cơ chế hoạt động sinh học theo những cách chưa từng có trước đây.

7. Pin mặt trời Perovskite


Vật liệu quang điện mới này mang tới 3 cải tiến lớn so với các loại pin mặt trời truyền thống làm bằng chất liệu silicon khi sản xuất dễ dàng hơn, có thể sử dụng ở bất cứ đâu và cung cấp năng lượng hiệu quả hơn.

8. Trí tuệ nhân tạo


Những tiến bộ trong các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tăng cường nhận thức xã hội kết hợp với nguồn dữ liệu lưu trữ khổng lồ sẽ cho phép tạo ra các trợ lý ảo ngày càng thông minh hơn, hỗ trợ người dùng trong nhiều lĩnh vực như quản lý tài chính cá nhân, theo dõi sức khỏe hay đưa ra những tư vấn trong cuộc sống hàng ngày.

9. Kỹ thuật điều khiển di truyền với ánh sáng Optogenetics

Các nhà khoa học đã có thể sử dụng ánh sáng và màu sắc để ghi nhớ các hoạt động của tế bào thần kinh trong não. Tuy nhiên, những tiến bộ mới đây còn cho phép ánh sáng can thiệp sâu hơn vào chức năng của các tế bào não, đưa ra những phương pháp điều trị tốt hơn cho những người mắc chứng rối loạn não.

10. Kỹ thuật chuyển hóa hệ thống

Những tiến bộ trong sinh học tổng hợp, hệ thống sinh học và kỹ thuật tiến hóa cho phép tạo ra nhiều nguyên liệu thiết yếu với giá thành rẻ hơn từ thực vật thay vì sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.