Một số nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng đang sử dụng dữ liệu và công nghệ để hướng các biện pháp can thiệp sức khỏe đến các nhóm nhỏ trong dân số.

Tháng 4/2020, từ văn phòng trong một tòa nhà cao tầng ở Queens, New York, nhà dịch tễ học Sharon Greene và các đồng nghiệp đã theo dõi cách đại dịch COVID-19 quét qua TP New York. Sử dụng chương trình phân tích dữ liệu nguồn mở có tên là SaTScan và dữ liệu chi tiết từ các bệnh viện và phòng thí nghiệm, nhóm Greene lập bản đồ thời gian thực các đợt bùng phát theo từng khu vực trong thành phố. Kết quả cho thấy đại dịch không ảnh hưởng đến tất cả các khu vực của TP New York như nhau, nhờ đó Sở Y tế có thể phân phối các nguồn lực xét nghiệm và đồ bảo hộ như khẩu trang và găng tay đến đúng nơi cần nhất.

Đó là một cách tiếp cận khác với kế hoạch ứng phó với đại dịch thông thường của TP New York: phong tỏa và xét nghiệm diện rộng, hàng loạt. “Thay vì xét nghiệm trên toàn thành phố, chúng tôi có thể tập trung vào các khu vực bùng phát dịch," Greene nói. Đến giữa năm, số ca nhiễm trên địa bàn TP New York bắt đầu giảm.

Sử dụng công nghệ và dữ liệu để chỉ ra các khu vực mục tiêu mà y tế công cộng cần can thiệp, như nhóm Greene và nhiều nhà dịch tễ học khác đã làm để lập bản đồ đại dịch COVID-19, thuộc một lĩnh vực mới đang phát triển gọi là y tế công cộng chính xác.

Xét nghiệm COVID-19 di động ở Manhattan, Thành phố New York.
Xét nghiệm COVID-19 di động ở Manhattan, Thành phố New York.

“Vẫn như những gì chúng ta làm vì sức khỏe cộng đồng, nhưng khác biệt là sử dụng dữ liệu lớn và phân tích dự đoán để nhắm mục tiêu cụ thể hơn,” Caitlin Allen, nghiên cứu sinh về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Emory ở Atlanta, người từng tổ chức một cuộc họp về y tế công cộng chính xác vào tháng 10 năm ngoái, giải thích. Lĩnh vực này hứa hẹn sẽ tiết kiệm tiền chi tiêu cho y tế công cộng và cứu được tính mạng của nhiều người bằng cách nhắm chính xác vào mục tiêu can thiệp, theo Allen.

Không mới mẻ

John Quackenbush, nhà thống kê sinh học tại Trường Y tế Công cộng Harvard, Boston, cho rằng y tế công cộng chính xác đã xuất hiện ngay từ khi dịch tễ học ra đời. Vào những năm 1850, London gặp phải một đợt bùng phát bệnh tả, giết chết hàng triệu người. Năm 1854, một chuỗi trường hợp xuất hiện ở Soho, trung tâm London. Bác sĩ John Snow làm việc cách đó vài con phố. Snow đi từ cửa này sang cửa khác và bắt đầu đánh dấu các ca bệnh dịch tả trên bản đồ và phát hiện ra rằng những người lấy nước từ một máy bơm trên Phố Broad có nhiều khả năng mắc bệnh tả hơn.

Bản đồ ca bệnh tả của John Snow
Bản đồ ca bệnh tả của John Snow

Ngày nay, không cần làm như Snow. Năm 1996, CDC ra mắt PulseNet, sử dụng dấu vân tay DNA của vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm để phát hiện các vụ bùng phát ở các quận và các bang. Các đợt bùng phát khuẩn Salmonella, Listeria và Escherichia coli đã bị phát hiện và ngăn chặn sớm.

Muin Khoury, Giám đốc Văn phòng Hệ gen và Y tế Công cộng Chính xác tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhìn thấy tiềm năng tương tự trong các công nghệ di truyền khác. Là một bác sĩ nhi khoa và nhà di truyền học, ông dành nhiều năm để nghiên cứu một tình trạng di truyền được gọi là tăng cholesterol máu gia đình (FH), gây ra mức cholesterol cực cao, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ. Mặc dù rất dễ phát hiện FH bằng các xét nghiệm sàng lọc cơ bản và có sẵn liệu pháp điều trị hiệu quả, nhiều người mắc FH vẫn không được chẩn đoán. Nguyên nhân là chỉ có dưới 1% dân số bị FH và không thể dành tiền để sàng lọc tất cả mọi người.

Đối với Khoury và nhiều người khác, FH là một trong những vấn đề cần y tế công cộng chính xác. Một nhóm ở Mỹ đang thử nghiệm một thuật toán học máy quét hồ sơ sức khỏe (bao gồm đo cholesterol trong máu) và xác định những người có nguy cơ cao mắc FH để xét nghiệm và điều trị, mà không lãng phí nguồn lực xét nghiệm tất cả dân số khi 99% mọi người không mắc FH.

Như vậy, khái niệm y tế công cộng chính xác không phải là mới, nhưng thuật ngữ này được sử dụng thường xuyên hơn trong vài năm trở lại đây. Tháng 6/2016, Đại học California, San Francisco, đã tổ chức hội nghị về y tế công cộng chính xác đầu tiên. Cũng trong năm đó, virus Zika tràn qua Tây bán cầu. Các cơ quan y tế ở Miami, Florida, sử dụng hệ thống thông tin địa lý chi tiết để lập bản đồ các trường hợp mắc Zika tại địa phương, sau đó phun thuốc diệt côn trùng ở những khu vực cần thiết, thay vì phun thuốc toàn bộ thành phố.

Các phương pháp tiếp cận y tế công cộng chính xác đang thu hút nhiều sự chú ý. Quỹ Bill & Melinda Gates đã tài trợ tổng cộng 271 triệu USD cho mạng lưới Giám sát sức khỏe trẻ em và Phòng ngừa tử vong do Đại học Emory điều phối, mục tiêu là chỉ ra các khu vực ở châu Phi và châu Á có vấn đề về sức khỏe bà mẹ và trẻ em suy dinh dưỡng. Từ đó, các chính phủ và tổ chức từ thiện có bằng chứng để hỗ trợ những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Và tháng 9/2019, Quỹ Rockefeller đã khởi động Sáng kiến ​​Y tế công cộng chính xác trị giá 100 triệu USD, nhằm sử dụng phân tích dự đoán để ngăn chặn các mối đe dọa sức khỏe và khai thác dữ liệu lớn để giải quyết các yếu tố xã hội dẫn đến sức khỏe kém, chẳng hạn như phân biệt đối xử và nghèo đói.

Phun thuốc diệt côn trùng ở Miami năm 2016.
Phun thuốc diệt côn trùng ở Miami năm 2016.

Còn nhiều tranh luận

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận về giá trị thực tế của "y tế công cộng chính xác".

Mục tiêu của y tế công cộng chính xác là "can thiệp đúng đối tượng vào đúng thời điểm, nhưng đây vốn là điều mà y tế công cộng vẫn làm”, theo Sandro Galea, nhà dịch tễ học và hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Boston, Massachusetts. Galea cũng lo ngại rằng cách gọi y tế công cộng chính xác đang làm chuyển hướng ngành y tế công cộng ra khỏi mục tiêu quan trọng nhất: cải thiện sức khỏe của những nhóm dân cư yếu thế nhất. Cụ thể là sử dụng các biện pháp "công nghệ thấp" đã được chứng minh là có thể cải thiện sức khỏe của tất cả mọi người, chẳng hạn như cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, phát triển chế độ hỗ trợ, và giảm khoảng cách thu nhập.

Galea chỉ ra rằng làn sóng đầu tiên COVID-19 ở New York xảy đến trước khi thành phố kịp dành các nguồn lực thích hợp để xây dựng hệ thống phòng thủ, và biện pháp khắc phục là đầu tư những yếu tố cơ bản, chẳng hạn như cải thiện hệ thống bệnh viện, nhà ở và chế độ nghỉ ốm có lương cho người lao động.

Dù có ủng hộ quan điểm "y tế công cộng chính xác" hay không thì cả hai bên đều nhất trí một điều: cần chú ý đến tầm quan trọng của y tế công cộng trong những thập kỷ tới. Chưa tính đến các dữ liệu nâng cao như giải trình tự mầm bệnh, ngay cả dữ liệu y tế cơ bản, chẳng hạn như khai sinh, báo tử, hay báo cáo bệnh truyền nhiễm, là các nền tảng hoạt động của bộ máy y tế công cộng, hiện cũng chưa đầy đủ ở nhiều khu vực.

“Mục tiêu là cải thiện sức khỏe của mọi người bằng cách sử dụng tất cả các công cụ mà chúng ta có, cho dù có gọi chúng là y tế công cộng chính xác hay không,” Khoury nói.

Nguồn: