Để phát huy lợi thế về phát triển dược liệu và chăn nuôi đại gia súc, theo các đại biểu dự hội nghị giao ban vùng trung du và miền núi phía bắc vừa diễn ra tại Hoà Bình không nên mạnh tỉnh nào tỉnh đó triển khai mà cần xây dựng nhiệm vụ chung để liên kết các địa phương.

Cần có nhiệm vụ liên kết

Theo PGS-TS Lê Tất Khương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - vùng trung du và miền núi phía bắc có nhiều lợi thế, gồm phát triển lúa gạo, cây ăn quả, gia súc, cây dược liệu…

Cây dược liệu được tập trung phát triển tại 4 vườn quốc gia, gồm: Ba Bể (Bắc Kạn, 7.610ha), Tam Đảo (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, 36.883ha), Xuân Sơn (Phú Thọ, 15.048ha), Hoàng Liên (Lai Châu, Lào Cai, 38.724ha).

Ngoài ra còn có 24 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 363.077ha. Đây là vùng có sự đa dạng sinh học rất cao, nguồn cây thuốc phong phú, nhiều loài dược liệu quý như: Bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tam thất... với diện tích trồng 2.550ha.

Tuy nhiên, TS Khương cũng cho biết, nguồn cây thuốc ở vùng trung du và miền núi phía bắc đang bị suy giảm nhiều. Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đều bị khai thác, thu mua, bán qua biên giới. Nạn phá rừng làm rẫy cũng khiến nguồn dược liệu bị cạn kiệt nhanh chóng.

Gian trưng bày của Sở KH&CN Hòa Bình tại hội nghị giao ban vùng trung du và miền núi phía bắc. Ảnh: Loan Lê

Trong khi đó, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trong vùng chưa được quan tâm đúng mức; doanh nghiệp dược chưa chú trọng phát triển lĩnh vực đông dược. Do đó, việc trồng, phát triển cây dược liệu vẫn đang ở quy mô nhỏ, tự phát.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang - cho rằng, nếu cứ mạnh tỉnh nào tỉnh đó triển khai thì tính liên kết sẽ không bền vững. Theo ông, vùng trung du và miền núi phía bắc có hai lĩnh vực lợi thế là dược liệu và chăn nuôi đại gia súc nên phải có chương trình riêng cho hai lĩnh vực này của cả 14 tỉnh.

“Khi có nhiệm vụ chung, các bên sẽ cùng ngồi lại với nhau xây dựng nhiệm vụ liên kết. Sau 2 năm cùng ngồi lại kiểm điểm việc tổ chức thực hiện chương trình, tôi thấy cách làm này không chỉ liên kết được các sở KH&CN mà ngay cả các lãnh đạo địa phương cũng sẽ quan tâm” - ông Kiên nhấn mạnh.

Đại diện nhiều địa phương đồng tình với kiến nghị này và cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ xây dựng nhiệm vụ KH&CN liên kết trong vùng.

Giải bài toán lợi ích cho doanh nghiệp

Trước kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chỉ đạo, trong thời gian tới, Vụ Phát triển KH&CN địa phương và các đơn vị của Bộ KH&CN cần làm việc với các sở để thu nhận đề xuất, tổng hợp xây dựng các nhiệm vụ liên kết.

Thứ trưởng cũng gợi ý, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất nông nghiệp sạch cho Việt Nam và thế giới, có thể xác định vùng trung du và miền núi phía bắc có lợi thế về nông nghiệp, cần phát triển ngành này mạnh mẽ hơn.

“Tôi mong muốn các tỉnh trong vùng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ giống, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thị trường để đảm bảo chất lượng cho người dùng và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tôi đề nghị UBND các tỉnh, nhà khoa học và các sở KH&CN tham mưu để gây trồng ra các sản phẩm chủ lực của địa phương và tập trung phát triển” - Thứ trưởng nói và khẳng định, thông qua các chương trình, dự án, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ các địa phương, các sở KH&CN đầu tư trang thiết bị để triển khai các dự án. Theo ông, các địa phương nên xây dựng trung tâm nghiên cứu để phục vụ các dự án của tỉnh.

Tuy nhiên khi cả Bộ KH&CN và UBND các tỉnh đã sẵn sàng thì ai sẽ là người thực hiện dự án phát triển và ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế địa phương?

Thứ trưởng khẳng định: Không ai khác là doanh nghiệp. “Làm thế nào để đưa doanh nghiệp vào dự án phát triển sản phẩm tại địa phương? Tôi mong muốn các nhà khoa học, các Sở KH&CN tham mưu, tư vấn cho UBND để tính toán hiệu quả kinh tế xem nếu đầu tư theo các quy định của pháp luật thì những doanh nghiệp tham gia sẽ được lợi gì. Nếu giải được bài toán kinh tế, tôi tin là không thiếu doanh nghiệp đầu tư; còn khi chưa tính toán được lợi ích cho doanh nghiệp thì việc lôi cuốn họ vào cuộc là rất khó. Đây là kinh nghiệm của một số dự án đã và đang triển khai. Mong các sở KH&CN hãy cùng với các đơn vị, nhà khoa học tính ra được bài toán kinh tế hiệu quả của dự án để thu hút đầu tư trên địa bàn” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng gợi ý.