Ngày 1/2, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chính thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tại Hà Nội.


Với việc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) được công nhận là tổ chức khoa học và công nghệ hạng đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - Nguyễn Quân, hi vọng sau một vài năm nữa, “đội ngũ cán bộ hạt nhân của nước ta sẽ giỏi hơn, mạnh hơn, đông đảo hơn”.

Trước đó, ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 30/QĐ-TTg về việc nâng cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trở thành tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hạng đặc biệt, tương đương tổng cục, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân chúc cán bộ, công chức, viên chức ngành hạt nhân đóng góp ngày càng nhiều vào việc xây dựng tiềm lực hạt  nhân của Việt Nam. Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng
Bộ trưởng Nguyễn Quân chúc cán bộ, công chức, viên chức ngành hạt nhân đóng góp ngày càng nhiều vào việc xây dựng tiềm lực hạt nhân của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Theo Quyết định này, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai các hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; tổ chức hoạt động đào tạo, dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế của đất nước, phấn đầu đến năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Việc thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống xã hội trong điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết.

Khoa học công nghệ hạt nhân có một vị trí quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Những nhiệm vụ được giao ở tầm quốc gia, phục vụ các chương trình trọng điểm cấp nhà nước.

Theo Quyết định của Thủ tướng, VINATOM được giao có nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng, đặc biệt là nhiệm vụ tham gia vào dự án điện hạt nhân mà Quyết định 265/QĐ-TTg, ngày 5/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án: “Tăng cường năng lực nghiên cứu – triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh”.

Trải qua hơn 35 năm hình thành, phát triển, VINATOM đã phát triển lớn mạnh, toàn diện, cả về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, quy mô hoạt động khoa học, công nghệ và tổ chức bộ máy.

Với trọng trách, vị thế mới của một tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hạng đặc biệt mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao, Viện Năng lượng Nguyên tử sẽ ngày càng có nhiều đóng góp trong nghiên cứu phát triển các kỹ thuật hạt nhân, triển khai ứng dụng các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần phát triển nền kinh tế.

Thay mặt các cán bộ, đội ngũ nghiên cứu của VINATOM, TS Trần Trí Thành cam kết nỗ lực phát triển VINATOM, tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai ứng dụng, đưa trình độ nghiên cứu ứng dụng lên tầm nổi bật trong khu vực và dần dần tiến đến tầm quốc tế để thực hiện tốt các nhu cầu đòi hỏi của thực tế và nhiệm vụ Nhà nước giao trong giai đoạn tiếp theo.

VINATOM trước mắt sẽ tập trung tái cấu trúc, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi để triển khai thành công dự án Trung tâm Khoa học & Công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử và xây dựng năng lực tư vấn, nghiên cứu về điện hạt nhân.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam xác định triển khai các giải pháp:
- Xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên dần phát triển thành nhóm nghiên cứu mạnh
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ chuyên gia
- Xây dựng và thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn cấp nhà nước và cấp bộ
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu
- Đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, triển khai, thông tin liên lạc