Các dự án nghiên cứu mang tính tiên phong của châu Âu đang bị ngừng lại vì những lý do không rõ ràng.
Khi chào mừng những người tham gia cuộc họp khởi động cho dự án về y sinh quy mô lớn vào tuần trước, Martin Lohse, giám đốc khoa học của Trung tâm y học phân tử Max Delbrück (Đức) và là người phụ trách dự án, chúc mọi người may mắn bởi dường như một tương lai ảm đạm đang chờ họ ở phía trước.
LifeTime – tên gọi của dự án này, hướng đến việc sử dụng 3 công nghệ mới nổi là học máy, công nghệ tế bào đơn và các cơ quan tế bào (organoid) như mô, vốn là những bộ phận phát triển trong phòng thí nghiệm để xác định cách thức các tế bào của con người thay đổi theo thời gian và tiến triển bệnh. Đây chỉ là một trong sáu ứng cử viên trong vòng tuyển chọn các đề xuất đầy tham vọng cho các dự án nghiên cứu tiên phong trị giá hàng tỉ euro của châu Âu, dự kiến thực hiện trong thời gian 10 năm. Tuy nhiên mới đây, Ủy ban châu Âu lại ra quyết định sẽ không khởi động bất kỳ dự án nào trong số này.
Số phận mơ hồ của các dự án
Được khởi đầu từ năm 2018, Ủy ban châu Âu kêu gọi các nhà khoa học nộp hồ sơ để tuyển chọn các dự án mang tính tiên phong. Kết quả là có 33 đề xuất đã được gửi vào năm 2018 và chỉ có 6 được đưa vào chung kết. Dự án được chọn để nhận tài trợ đáng nhẽ sẽ được công bố tại một cuộc họp ở Vienna vào tháng 12 năm 2018. Nhưng một tuần trước cuộc họp đó, Ủy ban châu Âu đã hủy bỏ và lấy lí do là đang diễn ra “những thảo luận sâu rộng” về Horizon Europe. Sau đó, các đội được yêu cầu không đề cập đến từ “chương trình tiên phong”, và thay vào đó là “sáng kiến nghiên cứu quy mô lớn”.
Tuy nhiên, thông tin chi tiết về Horizon Europe - chương trình đầu tư cho nghiên cứu khoa học tiếp theo của Horizon 2020 và diễn ra từ năm 2021 đến 2027, vẫn còn rất mơ hồ. “Cộng đồng đang nghĩ rằng chúng ta đã có quá nhiều công cụ tài trợ và phương thức tài trợ khác nhau”, theo nhận xét của Kurt Vandenberghe, giám đốc chính sách nghiên cứu tại Bộ phận nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Ủy ban châu Âu tại Brussels. Ông an ủi các nhà khoa học: dù sáu dự án bị loại nhưng bằng cách nào đó, chúng vẫn còn cơ hội trong Horizon Europe, vốn có rất nhiều dạng tài trợ khác nhau với quy mô khác nhau.
Quyết định hủy bỏ đã được thông báo cho sáu nhóm nghiên cứu vào tháng 3/2019, Vandenberghe nói. Trước đây trong quá trình xét chọn, Ủy ban châu Âu đã trao cho sáu dự án này mỗi dự án 1 triệu euro để phát triển đề xuất chi tiết và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của hàng trăm nhà khoa học tại hàng chục tổ chức và đối tác công nghiệp thuộc lĩnh vực liên quan đến các dự án. “Tất nhiên, mọi người sẽ vô cùng thất vọng nếu các dự án này không được tài trợ. Nhiều nhà nghiên cứu giỏi đã chuyên tâm vào phát triển đề xuất”, Paul Lukowicz, Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Đức ở Kaiserslautern, người điều phối một dự án ứng cử viên có tên là Humane AI.
Mặc dù ngay từ đầu cũng không có gì đảm bảo rằng sẽ có dự án nào (trong 6 dự án) giành được tài trợ tiên phong, nhưng việc thay đổi toàn bộ hệ thống ở giữa chặng là điều đáng lo ngại, Hans-Dieter Volk, một nhà miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Charité, cho biết. Volk là điều phối viên cho dự án thứ ba có trụ sở ở Đức, được gọi là RESTORE, nhằm mục đích thúc đẩy các liệu pháp dựa trên gene và tế bào vào các phòng khám châu Âu phát triển theo hướng nhanh hơn và rẻ hơn.
Hai dự án khác đề xuất việc dùng năng lượng mặt trời và khí sẵn có trong khí quyển như carbon dioxide để sản xuất nhiên liệu và phân bón, đó là SUNRISE do các nhà khoa học trường Đại học Leiden ở Hà Lan dẫn dắt và ENERGY-X do các nhà khoa học trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch ở Copenhagen dẫn dắt. Time Machine, dự án thứ sáu sẽ đảm trách việc số hóa các kho dữ liệu lịch sử khổng lồ từ các kho lưu trữ và bảo tàng châu Âu.
Vẫn còn hy vọng?
Christian Ehler, nhà đàm phán chính của Nghị viện châu Âu về Horizon Europe, cho biết ông có kế hoạch thúc giục Ủy ban châu Âu tích hợp các dự án vào Horizon Europe thay vì hủy bỏ hoàn toàn. “Nghị viện rất lo lắng về tương lai của những dự án này bởi đây là những sáng kiến đầy hứa hẹn và cần được đầu tư đúng mức trong khuôn khổ Horizon Europe”, ông nói.
Vandenberghe đề xuất rằng một hoặc một số dự án trong số này có thể được tài trợ thông qua năm nhiệm vụ của Horizon Europe. Các nhiệm vụ hướng chi tiêu nghiên cứu đến những thách thức cụ thể: ung thư, thích ứng với biến đổi khí hậu, đại dương, thành phố trung lập khí hậu và đất đai. Tuy nhiên cũng phải mất vài năm nữa thì các nhiệm vụ này mới được vạch ra và xác định một cách rõ ràng. Và ngay cả khi đó, những nhiệm vụ này có thể sẽ không hướng đến kiểu tài trợ tập trung và tích hợp mà 6 dự án đề xuất hàng đầu đang hướng tới.
Hiện tại, các nhóm vẫn đang tiếp tục phát triển các lộ trình chi tiết cho các dự án bằng số tiền 1 triệu euro được cấp từ trước, hạn chót cho lộ trình là vào tháng 5 năm 2020. Nhưng một số khía cạnh của một dự án, như việc quản trị, rất khó lập kế hoạch vì ở thời điểm này việc tài trợ quá mơ hồ, theo Geneviève Almouzni, điều phối viên của LifeTime tại Viện Curie ở Paris. Cộng thêm tình hình Brexit hiện nay, khả năng chia tay châu Âu của Vương quốc Anh vào cuối năm nay, cũng làm phức tạp hóa kế hoạch bởi LifeTime còn có các đối tác từ Vương quốc Anh tham gia.
Theo Nikolaus Rajewsky thuộc Trung tâm Max Delbrück, điều phối viên của LifeTime, “không cần phải là một thiên tài, bạn cũng có thể nhận ra là LifeTime có thể sẽ đem lại những hiểu biết mới về cơ chế nhiều loại bệnh tật.” Ông cho rằng chính phủ của một số quốc gia và các cơ quan tài trợ đã thể hiện rất nhiều sự quan tâm vào dự án. “Một khi có lộ trình chi tiết, hy vọng tiền tài trợ sẽ đến”.
Ủy ban châu Âu đã lên kế hoạch lựa chọn 6 chương trình tiên phong, với mức tài trợ 2 hoặc 3 tỉ euro. 1. Time Machine: Số hóa di sản văn hóa châu Âu 2. Humane AI: Phát triển trí tuệ nhân tạo để làm việc với con người 3. LifeTime: Vẽ bản đồ cách các tế bào phát triển theo thời gian 4. RESTORE: Mang liệu pháp tế bào và gene vào phòng khám 5. ENERGY-X: Chuyển đổi năng lượng Mặt trời và gió thành nhiên liệu 6. SUNRISE: Sử dụng ánh sáng Mặt trời và các loại khí trong khí quyển để làm nhiên liệu và hóa chất |