Tạp chí y khoa The Lancet vừa công bố một nghiên cứu về tỷ suất sinh toàn cầu trong giai đoạn 1950 – 2017, cho thấy ngày càng ít trẻ con được sinh ra hơn so với trước đây – điều này có thể gây ra những tác động tai hại, thậm chí còn là thảm họa, đối với xã hội.
Các số liệu thống kê cho biết, nếu vào năm 1950, trung bình một người phụ nữ (không phân biệt quốc gia) sẽ hạ sinh khoảng 4,7 đứa con trong suốt cuộc đời, thì đến năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 2,4 – đồng nghĩa với việc gần một nửa số quốc gia của thế giới hiện đang đứng ở đỉnh của làn sóng “suy giảm tỷ lệ sinh” và không có đủ số trẻ em cần thiết để duy trì cân bằng dân số.
“Nếu cứ tiếp tục xu hướng này thì trong tương lai sẽ có rất ít trẻ em và ngày càng nhiều người già (trên 65 tuổi), đe dọa nghiêm trọng đến sự bền vững của xã hội toàn cầu”, Christopher Murray – tác giả nghiên cứu – nói với BBC. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tính đến tất cả những hậu quả kinh tế xã hội sâu sắc mà một xã hội với cấu trúc nhân khẩu như vậy phải đối mặt, khi ông bà đông hơn cả con cháu.”
Tuy nhiên, ở một vài khía cạnh thì xu hướng tỷ lệ sinh giảm cũng là một biểu hiện của sự tiến bộ, khi ngày càng nhiều trẻ em sống tới tuổi trưởng thành hơn, và con người không nhất thiết cứ phải sinh con thì mới có được gia đình hạnh phúc như mong muốn. Chính sự tăng cường khả năng tiếp cận với các biện pháp tránh thai, cơ hội việc làm và giáo dục đã mang lại nhiều lựa chọn hơn cho phụ nữ, như sống cho bản thân và theo đuổi đam mê thay vì làm mẹ – điều gần như là bất khả trong thập niên 1950.
Ngoài ra, tỷ lệ sinh giảm cũng đem tới một số lợi ích nhất định đối với môi trường, bởi tốc độ tăng dân số chậm đi cũng giúp con người có thêm thời gian để giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu hay nạn đói toàn trên toàn cầu.
Phạm Nhật (Theo Futurism)