Ông Hoàng Văn Phong - Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia - đã thông tin như vậy tới các doanh nghiệp tại hội thảo: “Thực trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam” do Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 10/8 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến phản ánh thực tế hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT đã được xây dựng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn và những ưu đãi thực sự vẫn còn khó khăn. Cụ thể từ năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111 về phát triển CNHT, trong đó đã đưa ra các chính sách ưu tiên hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển ứng dụng chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, thị trường và ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT phát triển nhưng doanh nghiệp hiện chưa tiếp cận được.
Trong khi đó trong bối cảnh hội nhập quốc tế, CNHT có vai trò rất quan trọng, doanh nghiệp trong nước đứng trước sức ép lớn từ nhiều nhà cung ứng toàn cầu có lợi thế cao về công nghệ và khả năng cung ứng giá thấp, đặc biệt các nhà cung ứng từ Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nhận thấy tầm quan trọng của CNHT, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó Quỹ NATIF được thành lập với chức năng cho vay, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Tuy nhiên để NATIF có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động trong
lĩnh vực CNHT, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như sự nghiệp
CNH-HĐH của đất nước, việc làm rõ thực trạng chính sách và nhu cầu đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam và xác định các lĩnh vực trọng tâm là cần thiết.
Điều tra của Cục ứng dụng phát triển công nghệ cho thấy, hiện nay ngành thiết bị điện - điện tử trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình - khá, CNHT thấp hơn mong đợi. Ngành sản xuất lắp ráp ô tô không đạt được mục tiêu đề ra về tỉ lệ nội địa hóa, chỉ đạt 40% trong khi mục tiêu đề ra là 60%.
Ông Nguyễn Đình Bình - Giám đốc Quỹ NATIF cho biết, Quỹ sẽ hỗ trợ cho các nội dung: chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, mua phần mềm, bí quyết, sản xuất lô số không, thiết bị đặc chủng, đo kiểm, chuyên gia tư vấn...
"Các nhiệm vụ gửi đến Quỹ được xem xét và đánh giá theo các bước được thiết lập trước, đảm bảo tính khách quan, minh bạch" - ông Bình nói.
Bổ sung thêm thông tin để nhận được hỗ trợ từ Quỹ, ông Hoàng Văn Phong gợi ý các doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng cũng như cơ chế hỗ trợ của Quỹ để biết rõ sản phẩm công nghệ doanh nghiệp đang cần tìm kiếm cần đạt tiêu chí như thế nào để đáp ứng và nhận được tài trợ.