Dưới đây là những thắc mắc thường gặp nhất về Thỏa ước La Hay, của một số công ty luật và đại diện sở hữu công nghiệp, đã được đại diện Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ giải đáp.

Sự kiện Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp là một trong những trọng tâm đáng chú ý về sở hữu trí tuệ trong một năm qua. Tuy nhiên, Thỏa ước La Hay vẫn còn mới mẻ với hầu hết các doanh nghiệp, các đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Đó là lý do vì sao, trong Hội thảo “Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp”, vào cuối tháng 11/2020, do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội nhằm giới thiệu và phổ biến thông tin, kiến thức và cách thức sử dụng hệ thống này, có rất nhiều các công ty luật, đại diện sở hữu công nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi. Dưới đây là những thắc mắc thường gặp nhất của một số công ty luật và đại diện sở hữu công nghiệp, đã được đại diện Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ giải đáp.

Hình minh họa.

Hỏi: Thỏa ước La Hay là gì? Tại sao chúng tôi nên nộp đơn theo hệ thống này?

Trả lời:
Do nguyên tắc lãnh thổ của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nên để được bảo hộ tại nhiều quốc gia, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp phải nộp nhiều đơn tại nhiều nước theo nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, với các quy định khác nhau về hình thức và nội dung, bằng nhiều ngôn ngữ, sử dụng nhiều loại tiền tệ và phải đóng các loại phí, mức phí khác nhau. Bên cạnh đó, với thời điểm nộp đơn và gia hạn khác nhau, việc xác lập quyền và quản lý quyền được bảo hộ trở nên rất phức tạp.

Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (gọi tắt là Thỏa ước La Hay) được ký kết vào năm 1925 và có hiệu lực từ năm 1928 là một điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (viết tắt là WIPO) quản lý, cung cấp một cách thức đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đơn giản và tiết kiệm. Cụ thể, với Thỏa ước La Hay, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt mà chỉ cần nộp một đơn duy nhất đến Văn phòng quốc tế của WIPO trong đó chỉ định đến các quốc gia mong muốn được bảo hộ. Hệ thống La Hay cho phép chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệpcủa mình với thủ tục tối thiểu: chỉ cần nộp một hồ sơ đơn duy nhất tới một cơ quan duy nhất, sử dụng một ngôn ngữ, một loại tiền tệ duy nhất (đồng Francs Thụy Sĩ) với chỉ một danh mục phí. Bên cạnh đó, với việc gia hạn đăng ký quốc tế thống nhất tại một thời điểm cũng như sửa đổi đăng ký quốc tế một cách tập trung với một thủ tục duy nhất được thực hiện tại Văn phòng quốc tế, việc quản lý quyền được đơn giản hóa tối đa.

Đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có thể chỉ định bảo hộ ở nhiều nước chỉ với một khoản phí cơ bản, phí công bố chung. Ngoài ra, các loại phí giảm đáng kể đối với kiểu dáng công nghiệptừ thứ hai trở đi. Hơn nữa, chủ đơn không cần phí thuê luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp ở từng nước được chỉ định trong trường hợp không có thông báo từ chối bảo hộ từ các nước đó. Chi phí dịch thuật, công chứng và các chi phí khác cũng được giảm thiểu tối đa, đồng thời tiết kiệm được thời gian theo đuổi đơn và quản lý quyền vì chỉ cần nộp một đơn duy nhất tại một thời điểm và có một đăng ký quốc tế chung được quản lý tập trung.

Hỏi: Chúng tôi được phép nộp bao nhiêu kiểu dáng công nghiệp trong cùng một đơn và sử dụng ngôn ngữ gì?

Trả lời:
Thỏa ước La Hay cho phép nộp 100 kiểu dáng công nghiệp trong cùng một đơn với điều kiện các kiểu dáng công nghiệp cùng thuộc một nhóm của Bảng phân loại quốc tế Locarno và các quốc gia được chỉ định trong đơn cho phép.
Đơn có thể sử dụng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha.

Hỏi: Tôi thấy có hai khái niệm là Hệ thống La Hay và Thỏa ước La hay? Hai khái niệm này có khác nhau không?

Trả lời:
Hệ thống La Hay là một khái niệm chung nhất, bao gồm rất nhiều khía cạnh của Thỏa ước La Hay, ngoài các văn bản pháp lý còn có cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin. Thỏa ước La Hay về cơ bản gồm có ba văn kiện khác nhau:

Văn kiện London 1934, Văn kiện La Hay 1960 và Văn kiện Geneva 1999. Mỗi văn kiện về bản chất là một thỏa ước quốc tế đầy đủ. Việc đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có thể thực hiện theo một, hai hoặc cả ba văn kiện tùy thuộc vào quốc gia thành viên của người nộp đơn và quốc gia thành viên được chỉ định trong đơn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Văn kiện La Hay 1960 và Văn kiện Geneva 1999 còn hiệu lực do Văn kiện London 1934 đã bị đóng băng kể từ ngày 01/01/2010.

Ngoài ba văn kiện này, Hệ thống La Hay còn có các tài liệu pháp lý khác như Quy chế thi hành chung và Hướng dẫn hành chính, và cả các quy định luật pháp của từng nước tham gia.

Đại diện Trung tâm Thẩm định KDCN – Cục Sở hữu trí tuệ đang đứng lắng nghe và trả lời thắc mắc của một luật sư (bìa trái) về thỏa ước La Hay tại Hội thảo “Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp”. Ảnh: BN

Hỏi: Tôi thấy có khái niệm “chỉ định” một nước. Chỉ định ở đây nghĩa là gì?

Trả lời:
Khi nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay, người nộp đơn phải tuyên bố yêu cầu bảo hộ ở đâu: muốn kiểu dáng công nghiệp của mình được bảo hộ tại những nước nào thì trong đơn phải nêu rõ các nước đó. Đấy chính là chỉ định các nước đó. Khái niệm chỉ định chính là “yêu cầu bảo hộ tại một/ các nước cụ thể”.

Đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay cho phép chủ đơn chỉ định bảo hộ ở nhiều quốc gia, đồng thời cho phép tự chỉ định quốc gia xuất xứ (trừ trường hợp quốc gia xuất xứ tuyên bố không cho phép tự chỉ định). Người nộp đơn Việt Nam có thể tự chỉ định Việt Nam.

Hỏi: Những ai có quyền nộp đơn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay?

Trả lời:
Cá nhân, tổ chức có quyền nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay nếu cá nhân, tổ chức đó thỏa mãn một trong số các điều kiện sau: là công dân của một nước tham gia Thỏa ước La Hay; thường trú tại một nước tham gia Thỏa ước; có nơi cư trú hoặc có cơ sở thương mại/công nghiệp thực sự và hiệu quả tại một nước tham gia Thỏa ước.

Hỏi: Tôi muốn hỏi về thời hạn bảo hộ và gia hạn bảo hộ theo Hệ thống La Hay. Nếu nộp đơn theo đường quốc gia thì có những nước có thời hạn bảo hộ lần đầu là 5 năm. Vậy sau 5 năm thì thủ tục duy trì hiệu lực như thế nào?

Trả lời:
Thủ tục gia hạn hiệu lực đều thực hiện tập trung ở WIPO, không thực hiện ở các quốc gia thành viên. Đăng ký quốc tế KDCN có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày đăng ký và có thể gia hạn theo các kỳ hạn 5 năm. Thời hạn bảo hộ tối thiểu ở mỗi nước được chỉ định là 15 năm kể từ ngày đăng ký quốc tế. Vì vậy, trong 2 kỳ hạn tiếp theo, chủ đăng ký quốc tế có thể gia hạn tập trung tại WIPO cho tất cả các nước được chỉ định. Các nước có thời hạn bảo hộ lâu hơn đều có thời hạn bảo hộ là bội số của 5 năm (20, 25 hoặc 50 năm). Vì vậy, sau 15 năm đầu tiên, chủ đăng ký vẫn tiếp tục gia hạn tập trung tại WIPO theo các kỳ hạn 5 năm cho các nước còn thời hạn bảo hộ và kỳ hạn cuối cùng là kỳ hạn gia hạn đối với những nước được chỉ định có thời hạn bảo hộ lâu nhất.

Hỏi: Qua trải nghiệm cá nhân tôi nhận thấy rằng khi nộp đơn theo Thỏa ước La Hay và chỉ định Việt Nam thì không tận dụng được nhiều ưu điểm của Thỏa ước. Liệu có hướng nào thay đổi cho thuận lợi hơn cho người nộp đơn khi chỉ định Việt Nam hay không?

Trả lời:
Hiện vẫn còn tồn tại những khác biệt về quy định liên quan đến bảo hộ kiểu dáng công nghiệp giữa pháp luật Việt Nam và Thoả ước La Hay như Việt Nam chưa chấp nhận cơ chế bảo hộ kiểu dáng công nghiệp riêng phần, yêu cầu một đơn chỉ đăng ký một kiểu dáng công nghiệp duy nhất trừ trường hợp đơn nộp cho nhiều phương án của cùng một kiểu dáng công nghiệp hoặc đăng ký cho một bộ sản phẩm, đơn yêu cầu phải có phần mô tả chi tiết các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp. Các quy định này mâu thuẫn với những lợi ích mà Thỏa ước La Hay mang lại cho người nộp đơn, do đó khi chỉ định Việt Nam, người nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp chưa thực sự tận dụng được những ưu điểm của Hệ thống La Hay. Trong thời gian tới, Việt Nam cần rà soát lại các quy định pháp luật về kiểu dáng công nghiệp để sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu hướng trên thế giới. Sau khi Việt Nam đã điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng phù hợp hơn với Thỏa ước La Hay và xu hướng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trên thế giới, chúng ta sẽ từng bước rút bỏ hoặc thay thế các tuyên bố này.

Bảo Như ghi

Thông tin chi tiết, các công ty, đại diện sở hữu công nghiệp và các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể truy cập vào cổng thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc liên lạc trực tiếp với Trung tâm Thẩm định KDCN – Cục Sở hữu trí tuệ, 386 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội. Điện thoại: 024-38583069 (4459).