Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM sẽ xây dựng bộ quy chế quy định, chế tài rõ ràng để xử lý đề tài trễ hạn. “Phải “siết” như vậy, vì các đề tài nghiên cứu KH-CN bị trễ hạn đang chiếm tỷ lệ lớn (hơn 47%) dẫn đến hệ lụy xấu cho sự phát triển của ngành KH-CN TPHCM".

Vấn đề đáng lo ngại

Theo ông Phạm Văn Xu, Quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học của Sở KH-CN, thời gian qua, việc trễ hạn các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) có nhiều lý do. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như bố trí vốn chậm, thiếu phương tiện kỹ thuật, máy móc, thì nguyên nhân rất lớn là nằm ở chính những chủ nhiệm đề tài. Trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học nhận nghiên cứu những đề tài không phù hợp với chuyên môn đang phụ trách hoặc với chuyên môn mà mình được học; nhận đề tài khi chưa thể sắp xếp công việc tại đơn vị. Những đề tài trái chuyên môn như thế khó hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng… Ở đây cũng còn thấy nguyên do cán bộ phụ trách quá mỏng, đơn vị quản lý các đề tài NCKH tại sở không kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các chủ nhiệm.

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2015, Sở KH-CN đã cấp kinh phí hơn 21 tỷ đồng cho 18 đề tài nghiên cứu mới, 14 đề tài nghiệm thu và 16 đề tài tiếp tục thực hiện. Trong đó, một số đề tài như chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG -8V1, máy vắt bã sắn VBS-14, công nghệ xử lý lục bình làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ… có thể chuyển giao và ứng dụng được ngay. Nhưng sở cũng chỉ ra, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học bị trễ hạn đang chiếm tỷ lệ lớn với hơn 47%. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG -8V1 đã được ứng dụng trong các thiết bị như giám sát hành trình, hộp đen xe máy… Ảnh: T.BA

Tất nhiên, việc trễ hạn đề tài bị kéo dài nhiều năm cũng do tình trạng "nể nang" ở cấp quản lý vì còn đụng các vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Hiện nay, việc cấp kinh phí NCKH được chia làm 3 đợt, nhà khoa học nhận 50% kinh phí ngay sau khi ký hợp đồng. Nếu cấp quản lý thực hiện không đúng quy chế, các đề tài trễ hạn phải dừng ngay lập tức, đồng nghĩa với việc kinh phí nhà nước mất trắng 50%. "Không phải không có chế tài bắt buộc các chủ nhiệm phải bồi thường dựa trên hợp đồng kinh tế đã ký. Nhưng các chế tài đó, nếu áp dụng sẽ khiến các nhà khoa học mất uy tín, cơ quan chủ quản bị ảnh hưởng. Chưa nói đến việc đưa nhau ra tòa sẽ mất nhiều thời gian và tốn thêm… án phí".

Tìm cách giải quyết

Từ giữa năm 2015, Sở KH-CN đang tìm cách giải quyết đối với các đề tài đã trễ hạn quá lâu, đồng thời siết chặt quản lý đối với các đề tài mới theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 3187/QĐ-UBND của UBND TPHCM. Cụ thể, sở cắt cử cán bộ theo sát các chương trình nghiên cứu để kịp đôn đốc, nhắc nhở khi đến hạn nghiệm thu. Chủ nhiệm nào trễ quá 6 tháng sẽ bị thanh lý hợp đồng nghiên cứu. Đồng thời, chủ nhiệm đó không được xét duyệt bất cứ đề tài nào trong 2 năm tính từ ngày hoàn thành các hạng mục đã trễ hạn. Đồng thời, sở sẽ xây dựng một bộ quy chế với những quy định, chế tài rõ ràng để xử lý đề tài trễ hạn. Nếu làm đúng cam kết, không hoàn thành theo tiến độ được giao mà không có nguyên nhân chính đáng thì phải bồi thường theo mức mà hợp đồng đã quy định.

Trong nguyên nhân đề tài NCKH trễ hạn còn có nguyên do từ công tác quản lý. Vì vậy, Sở KH-CN cho rằng cần xác định lại nhiệm vụ của các đơn vị phòng ban về quản lý khoa học. Trong đó, đề tài cấp cơ sở, đề tài cấp thành phố do phòng ban nào chịu trách nhiệm sẽ được quy định rõ ràng. Các đơn vị phải có trách nhiệm với phần việc mà mình được giao quản lý. Khi xảy ra tình trạng trễ hạn nghiệm thu, phải biết nguyên nhân vì sao, xử lý thế nào để báo cáo lên ban giám đốc…

Cụ thể hơn, ông Phạm Văn Xu cho biết, phần mềm quản lý các đề tài (có tính năng thông báo đề tài trễ hạn) đã được triển khai gần một năm qua chưa mang lại hiệu quả do các tác vụ thực thi còn chậm. Từ đây đến cuối năm, sở sẽ cải tiến và nâng cấp các tính năng, đồng thời kết nối với trang web của sở. Mỗi chủ nhiệm đề tài sẽ được cấp một tài khoản để nhận các thông báo của sở, thông qua đó, sở cũng theo dõi tình hình đề tài dựa trên báo cáo cập nhật của các chủ nhiệm.

Hy vọng với cách quản lý mới mà Sở KH-CN đề ra, các đề tài NCKH sẽ hoàn thành đúng thời hạn và sẽ bớt đi những đề tài thiếu tính thực tế, nâng dần đề tài có tính ứng dụng cao…

Sở KH-CN TPHCM cũng xác định, khoa học chủ yếu là nghiên cứu, nhưng công nghệ là những thứ ứng dụng được vào thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, việc xét duyệt đề tài cần chú trọng vào những đề tài có tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng ngay vào đời sống và phù hợp với nhu cầu của người dân. Chỉ khi làm được như thế, KHCN mới trở thành động lực để phát triển kinh tế xã hội.