Điều này đã từng là chuyện không tưởng. Bởi khoảng hai thập niên trước, Microsoft vẫn còn là một ví dụ điển hình về những khu vườn công nghệ “kín cổng cao tường”. Một sếp lớn của hãng, cựu CEO Steve Ballmer, thậm chí còn gọi phần mềm nguồn mở là “bệnh ung thư. ”

Những nhà phân tích lạc quan cho rằng việc gia nhập trào lưu dữ liệu mở của gã khổng lồ phần mềm khá giống với bước chuyển mà IBM đã thực hiện từ cuối thập niên 1990, trước sự lớn mạnh của hệ điều hành Linux và phần mềm nguồn mở.
Những nhà phân tích lạc quan cho rằng việc gia nhập trào lưu dữ liệu mở của gã khổng lồ phần mềm khá giống với bước chuyển mà IBM đã thực hiện từ cuối thập niên 1990, trước sự lớn mạnh của hệ điều hành Linux và phần mềm nguồn mở.

Nhưng thời thế nay đã khác. Hôm 21/4 vừa qua, tập đoàn công nghệ giá trị nhất thế giới (tính theo vốn hóa thị trường) đã tuyên bố gia nhập trào lưu “tự do hóa dữ liệu” hay dữ liệu mở (open data). Trong số rất nhiều hạng mục, từ nay cho đến năm 2022, hãng dự kiến sẽ khởi động khoảng 20 chương trình chia sẻ dữ liệu số, bao gồm cả những thông tin đang thu thập được về Covid-19.

Microsoft không phải là tay chơi duy nhất muốn làm vậy. “Thế giới từng trải qua nhiều đợt đại dịch, nhưng lần này chúng ta đã tìm thấy một siêu sức mạnh mới; Đó chính là khả năng thu thập và chia sẻ dữ liệu cho mục đích tốt đẹp,” sếp của Facebook, Mark Zuckerberg đã viết như vậy trên tờ Washington Post. Bên kia Đại Tây Dương, bất chấp những quy định nghiêm ngặt liên quan đến vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng, một số lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng tin tưởng: sự chia sẻ dữ liệu sẽ giúp thúc đẩy những nỗ lực chống coronavirus.

Tuy nhiên, đề xuất chia sẻ dữ liệu thật ra còn xuất hiện sớm hơn nhiều, trước khi Covid-19 bùng phát. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), câu lạc bộ của các nước giàu, từng tính toán: nhiều quốc gia sẽ hưởng mức tăng trưởng GDP cao hơn khoảng 1 – 2,5% nếu dữ liệu được trao đổi rộng rãi hơn trên quy mô toàn cầu. Kết quả này dựa trên những giả định về triển vọng hoặc cơ hội kinh doanh mới, và số lượng startup có thể được thành lập nhờ tự do hóa dữ liệu. Một số nhà kinh tế cũng đồng tình, rằng khả năng sẵn sàng tiếp cận dữ liệu sẽ mang lại rất nhiều lợi ích sâu rộng, bởi dữ liệu là một loại tài nguyên “vô song” (non-rivalous); khác với dầu mỏ, chúng có thể được khai thác và tái sử dụng liên tục mà không bị cạn kiệt, chẳng hạn như dùng để xây dựng nhiều thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) cùng lúc.

Phần lớn các chính quyền đều nhận thấy tiềm năng to lớn này. Nhiều thành phố, từ Berlin cho tới San Francisco đều đã và đang xây dựng những chương trình sáng kiến dữ liệu mở (open data initiatives). Nhưng các công ty thì vẫn tương đối dè dặt – nhà nghiên cứu Stefaan Verhulst, người đứng đầu Governance Lab (chuyên về quản trị công quyền) tại Đại học New York, cho biết. Sở dĩ có điều này là do họ lo ngại đánh mất tài sản trí tuệ cùng lợi thế kinh doanh, bên cạnh nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của người dùng và phải đương đầu với nhiều rào cản kỹ thuật khác. Lấy ví dụ: những định dạng dữ liệu chuẩn như hình ảnh JPEG, … là thứ có thể được chia sẻ dễ dàng, song dữ liệu thu thập từ nền tảng của Facebook lại gần như vô nghĩa đối với Microsoft, ngay cả khi được định dạng lại. Ngoài ra, theo báo cáo của Governance Lab, hiện mới chỉ có chưa tới một nửa trên tổng số 113 sáng kiến dữ liệu cộng tác (data collaboratives) là đến từ khối doanh nghiệp; có thể kể tới một vài cái tên như dự án của ngân hàng BBVA (Tây Ban Nha) hay hãng sản xuất dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh Quốc), … vốn có quy mô tương đối nhỏ.

Vì vậy, chiến dịch của Microsoft được xem là sẽ tạo ra hiệu ứng rất lớn. Bên cạnh việc khuyến khích xu hướng chia sẻ phi thương mại và phi lợi nhuận nhiều hơn, công ty cũng đang phát triển các loại phần mềm, giấy phép (với nhiều đối tác như Governance Lab) và cơ chế quản trị (governance framework), cho phép doanh nghiệp giao dịch dữ liệu do họ nắm giữ, hoặc cung cấp khả năng truy cập mà không bị mất quyền kiểm soát. Những nhà phân tích lạc quan cho rằng: động thái này của gã khổng lồ phần mềm khá giống với bước chuyển mà IBM đã thực hiện từ cuối thập niên 1990, trước sự lớn mạnh của hệ điều hành Linux và phần mềm nguồn mở. Bất chấp những nỗ lực phản đối của Microsoft, Linux đã phát triển ngày càng bành trướng, vừa đe dọa Windows vừa tự tạo cho mình một vị thế vững chắc với nền tảng Google Android, và được cài đặt trên hầu hết các thiết bị điện toán đám mây (500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay đều chạy Linux).

Brad Smith, đương kim chủ tịch Microsoft lưu ý rằng chỉ chưa tới 100 công ty đang thu thập hơn một nửa lượng dữ liệu trực tuyến của thế giới. Vì thế, theo tầm nhìn của ông, việc chia sẻ dữ liệu rộng rãi hơn sẽ có tác dụng ngăn ngừa xu hướng tập trung quyền lực kinh tế và chính trị. Chúng ta cần tìm cách xây cầu cho sứ mệnh “phân chia dữ liệu” (data divide), như đúng tên gọi của nó. Không dễ để trào lưu dữ liệu mở phát triển lớn mạnh trên quy mô toàn cầu, bởi dữ liệu phức tạp hơn nhiều so với các đoạn mã (code). Hầu hết lập trình viên đều hiểu chung một thứ ngôn ngữ (lập trình), và những tập thể nguồn mở thường hướng tới giải quyết các vấn đề thuần túy mang tính kỹ thuật, trong khi những người phụ trách dữ liệu lại tới từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, cho nên chắc chắn sẽ tồn tại nhiều dị biệt và bất đồng.

Giống như IBM trước kia, Microsoft hoàn toàn có những lý do khác ngoài lòng vị tha (altruism) để vinh danh dữ liệu mở. Công ty này đang kiếm phần lớn lợi nhuận không phải bằng cách trích xuất [giá trị] dữ liệu mà họ tích lũy được cho các quảng cáo nhắm đến thị trường mục tiêu như Alphabet hay Facebook, mà là nhờ bán dịch vụ, phần mềm hay giải pháp giúp người dùng xử lý thông tin số. Càng nhiều dữ liệu được chia sẻ, Microsoft sẽ càng được lợi. Chính điều này đã biến công ty của Smith trở thành nhà vận động hoàn hảo cho dữ liệu mở. “Nếu bạn muốn biết công ty nào có thể tin tưởng được, hãy nhìn vào mô hình kinh doanh của họ,” ông nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, hãy còn rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua để hiện thực hóa viễn cảnh trên. Ngay cả khi các rào cản kỹ thuật và pháp lý đối với hoạt động chia sẻ dữ liệu được gỡ bỏ, nhiều công ty đang nắm trong tay nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ chắc chắn cũng sẽ rất miễn cưỡng từ bỏ độc quyền sinh lợi từ dữ liệu người dùng. Như Mark Zuckerberg, tuy anh này đã không ít lần tuyên bố tích cực về chủ trương chia sẻ dữ liệu, nhưng đừng ai mong đợi Facebook sẽ sớm làm theo Microsoft.