Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đang được các đại biểu quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14. Hiện về cơ bản, dự án luật nhận được sự tán thành, đồng thuận cao.

Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội với Khoa học và Phát triển, đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Đoàn Quốc hội Thành phố Hải Phòng, cho rằng Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có tính quan trọng về mặt thời điểm, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang triển khai mạnh mẽ trên thế giới. Do đó, chúng ta phải tiếp cận và chủ động, tích cực hội nhập vào thế giới hiện đại.

“Tôi có nghiên cứu chính sách ngoại giao khoa học của quốc gia khác. Người ta cho rằng khoa học và công nghệ (KH&CN) là lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quan hệ quốc gia, người ta rất chú ý tới KH&CNvà nhìn vào chính sách, thực lực KH&CNđể đánh giá quốc gia này sẽ đi về đâu, phát triển thế nào” – ông Khải nói.

Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải
Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải.

Trên quan điểm đó, ông Khải cơ bản tôi nhất trí với báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, dự thảo luật đã trình tại kỳ họp này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các quý vị đại biểu quốc hội của các tổ chức, cá nhân. Vì thế cả nội dung và hình thức văn bản đã được nâng lên một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, vị đại biểu này đề nghị rà soát, chỉnh sửa thêm tại điều 4 - chính sách của Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ - để quán triệt được 4 định hướng chính sách cơ bản trong chuyển giao công nghệ:

Thứ nhất, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Điều này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết 20, Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học, công nghệ trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, cần phải quy định trong điều 4 về chính sách là phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, kỹ thuật viên lành nghề. Đây là lực lượng nòng cốt trong đổi mới sáng tạo, trong ươm tạo công nghệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thứ ba, cần phải quy định trong điều về chính sách đó là vấn đề chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về KH&CNcũng như về chuyển giao công nghệ. “Tôi thấy điều này rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, các quốc gia tiên tiến hiện nay rất coi trọng hợp tác KH&CN, coi KH&CNlà công cụ vô giá để hợp tác với các đối tác nước ngoài, KH&CNvà đổi mới là động cơ của xã hội hiện đại và là lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa phát triển kinh tế quốc tế” – đại biểu Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến

Cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), TS Phùng Đức Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, ban soạn thảo đã nghiên cứu, xây dựng với nhiều điểm tiến bộ. Theo đó ban hành luật này chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp có thể ứng dụng và đổi mới công nghệ; đưa nhanh nhất kết quả nghiên cứu vào ứng dụng.

“Điều quan trọng khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luật này vẫn bắt nhịp kịp và có thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường”.