Vụ cháy vào ngày 2/9/2018 tại Bảo tàng quốc gia Brazil đã phơi bày một hiện trạng của đời sống khoa học Brazil: rơi vào khủng hoảng do thiếu kinh phí đầu tư. Hiện nguy cơ sụp đổ và tương lai không xác định là tất cả những gì mà nền khoa học từng xếp hạng 14 thế giới này phải đối mặt.

Hiện trạng này dường như trái ngược với khoa học Brazil trong giai đoạn 2010 - 2014 – dưới quyền hai Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva và Dilma Rousseff. Năm 2013, Nature nhận xét: “Trong suốt thập kỷ qua, dưới thời Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, ngân sách đầu tư cho khoa học thông qua sự điều phối của Bộ Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã tăng lên một cách bền vững”, ví dụ từ chỗ kinh phí 1,3 tỷ reais (tương đương 575 triệu USD) năm 2002 thì đến cuối nhiệm kỳ của Lula là năm 2010, con số này đã đạt tới mốc 7,5 tỷ reais (khoảng 3,3 tỷ USD). Kết quả là trong bảng xếp hạng các nền khoa học, Brazil chiếm 2,7 % số lượng công bố quốc tế và xếp hạng 14 thế giới – cũng theo số liệu của Nature năm 2013.

Khoa học không còn được ưu tiên

Khủng hoảng kinh tế xuất hiện vào thời kỳ cuối nắm quyền của Tổng thống Dilma Rousseff đã buộc bà phải cắt giảm đầu tư cho khoa học, bắt đầu từ năm 2015, theo Nature. Việc buộc lòng giảm 24% so với đề xuất của Bộ KHCN và ĐMST và “đóng băng” chương trình Khoa học không biên giới (Science Without Borders) - chương trình trao đổi học bổng đã đem lại cơ hội cho hơn 101.000 sinh viên Brazil tới các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và đặt mục tiêu đến năm 2018, tiếp tục gửi thêm 100.000 người nữa, là những dấu hiệu đầu tiên cho một cuộc sụp đổ.

Sau khi thay thế Tổng thống Dilma Rousseff – người bị buộc phải rời chức vụ vì vi phạm những quy định về ngân sách, vào tháng 5/2016, ông Michel Temer đã thực thi nhiều chính sách mới để cứu vãn nền kinh tế, trong đó có việc sáp nhập Bộ KHCN và ĐMST vào Bộ Thông tin Truyền thông thành “siêu bộ”. 13 tổ chức khoa học, trong đó có Hội Khoa học tiên tiến Brazil (SBPC) và Viện Hàn lâm KH Brazil (ABC) đã gửi thư ngỏ tới tổng thống, nêu “điều đó gây bất lợi cho sự phát triển của KH&CN đất nước”, ăn mòn sức mạnh của Bộ KHCN&ĐMST – nơi đã hình thành nên trục hỗ trợ chính cho KH và ĐMST của Brazil trong vòng 3 thập kỷ qua.

Các nhà khoa học Brazil xuống đường biểu tình phản đối sáp nhập Bộ KHCN và ĐMST vào Bộ Thông tin Truyền thông. Nguồn: Nature

Khoa học Brazil lại chịu thêm tổn thất mới: Hội đồng Phát triển KH&CN quốc gia – một tổ chức đầu tư cho khoa học cấp liên bang, đã bị hạ cấp trong cấu trúc mới của “siêu bộ”. Trước đây tổ chức này là một cơ quan độc lập và nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ KH, nay nó và một số viện khác như Cơ quan Vũ trụ Brazil sẽ phải báo cáo với một người phụ trách và ông ta sẽ báo cáo lại với thứ trưởng. “Chúng tôi đã bị đẩy xuống hạng tư”, Helena Nader – chủ tịch SBPC, chua chát nói với Nature vào tháng 11/2016.

Hiện trạng u ám

Thêm một bất lợi cho khoa học Brazil là sự sụt giảm của giá dầu và các vụ bê bối tham nhũng, trong số đó là Petrobras – công ty dầu mỏ liên bang, càng làm ảnh hưởng đến nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học. Do vậy, ngân sách khoa học năm 2016 xuống mức thấp nhất hơn một thập kỷ qua với 4,6 tỷ reais.

Một lần nữa, các tổ chức khoa học phải vật lộn để sống sót, ví dụ Viện nghiên cứu Não bộ tại trường đại học liên bang Rio Grande do Norte ở Natal, các nhà nghiên cứu đã tách chi phí bảo trì cơ bản và mua thiết bị bằng tiền của mình, giám đốc viện Sidarta Ribeiro cho biết. Tuy nhiên, những nỗ lực này không đủ để cứu vãn tình thế.

Nhiều nhà khoa học bắt đầu lên kế hoạch rời đất nước, ví dụ Suzana Herculano-Houzel – nhà khoa học thần kinh ở trường đại học liên bang Rio de Janeiro, từng mở một cuộc huy động vốn đám đông vào cuối năm 2015 để mua một số bộ phận mới của kính hiển vi điện tử nhưng vào cuối năm 2016, bà đã quyết định chuyển đến trường Đại học Vanderbilt ở Mỹ và tháng 9/2016 đóng cửa phòng thí nghiệm của mình ở Brazil sau khi đã điều hành trong một thập kỷ.

Ông Sidarta Ribeiro cũng có cái nhìn u ám, “đây là một hành động mang tính tàn phá như chiến tranh với tương lai của khoa học Brazil. Các nhà khoa học sẽ rời khỏi đất nước. Nếu tôi không xin được tiền đầu tư của các quỹ quốc tế, tôi cũng sẽ buộc phải kết thúc sự nghiệp nghiên cứu”.

Liệu có tương lai?

Cuộc bầu cử bắt đầu vào ngày 7/10/2018 được kỳ vọng đem lại cơ hội cho Brazil bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tham nhũng và vực dậy khoa học. Một trong số các ứng cử viên nổi trội là Jair Bolsonaro – người được mệnh danh là “Trump vùng nhiệt đới”, đã phác thảo kế hoạch đưa Brazil rời khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015, giải thể các Bộ Khoa học và Môi trường, tái cấu trúc chúng để sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng.

Thông điệp tập trung vào công nghiệp và nông nghiệp nhưng “bỏ qua” khoa học và môi trường của Bolsonaro khiến Carlos Rittl, thư ký điều hành Climate Observatory – một mạng lưới gồm 37 nhóm nghiên cứu tập trung vào chính sách khí hậu ở São Paulo - cho rằng có thể là “một cơn ác mộng” nếu ông ta giành chiến thắng.

Ứng cử viên sáng giá thứ hai là Fernando Haddad, cựu thị trưởng São Paulo và là người thay thế Luiz Inácio ‘Lula’ da Silva – cựu tổng thống đang ngồi tù vì tham nhũng- dẫn dắt đảng Lao động. Không giống Bolsonaro, Haddad quan tâm đến khoa học và nhấn mạnh vào các chính sách về khoa học, ĐMST và chống biến đổi khí hậu. Ông cam kết thúc đẩy đầu tư cho khoa học và đề xuất tăng kinh phí hằng năm lên 2% GDP, sử dụng cả ngân sách của chính phủ lẫn khuyến khích tư nhân chi cho R&D. Nếu điều đó được thực hiện thì ngân sách chi cho R&D của Brazil có thể đạt tới lằn ranh đầu tư như nhiều quốc gia công nghiệp.

“Sự thật là dù các ứng cử viên tổng thống có đưa KH&CN vào chương trình tranh cử thì cũng không có nghĩa là KH&CN sẽ đóng vai trò quan trọng khi họ trở thành tổng thống. Có sự khác biệt rất lớn giữa những điều được viết ra và những gì được thực hiện”.