Việc tạo điều kiện của Nhà nước và các cơ quan quản lý bằng những quyết sách phù hợp; sẽ tạo cơ hội rộng mở để đội ngũ NKH trẻ phát huy được năng lực, đưa nền KHCN nước nhà tiến lên phía trước.
Trong cuộc gặp gỡ với các NKH trẻ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp có cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ… Đồng thời rà soát các cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo mọi thuận lợi cho đội ngũ các NKH nhất là các NKH trẻ để đưa nhanh lĩnh vực KHCN tiềm năng, thế mạnh trở thành sản phẩm mũi nhọn quốc gia, cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Bộ KH&CN, tuy còn nhiều khó khăn để tạo môi trường thuận lợi cho các NKH trẻ phát triển nhưng trên thực tế, trong những năm gần đây, các cơ sở nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đang được đầu tư khá bài bản; đã dần tạo điều kiện thu hút được rất nhiều NKH trẻ từ nước ngoài trở về nước làm việc, nghiên cứu trong nước. Đặc biệt, sự hình thành các viện nghiên cứu trong các trường đại học trong phạm vi tự chủ, cũng có nhiều hoạt động để thu hút nhân tài và phát triển hoạt nghiên cứu.
Tại các viện nghiên cứu, đội ngũ NKH trẻ cũng ngày càng đông đảo hơn, cùng với đó, nhiều dự án của cán bộ khoa học trẻ cũng được đón nhận và cho triển khai. “ Bộ KH&CN luôn khuyến khích, trọng dụng lực lượng cán bộ trẻ. Bộ KH&CN đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho KH& CN phát triển, đặc biệt là chính sách thu hút và trọng dụng các nhà khoa học và NKH trẻ tài năng. Đồng thời, luôn nỗ lực đổi mới quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và mở ra nhiều cơ hội cho các NKH trẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, “đặc biệt, từ năm 2008, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) đã ra đời và tập trung tài trợ nghiên cứu theo đề xuất của các NKH, trong đó ưu tiên các NKH trẻ triển khai nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Số nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu được Quỹ tài trợ tăng nhanh từ 5% năm 2009 lên 60 - 70% năm 2014; công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng 30% mỗi năm, chiếm 25% tổng số các công bố quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, như: Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon, chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan…”.
Thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện làm việc cho các NKH trẻ, Bộ KH& CN đã đề xuất tăng vốn cấp từ ngân sách tối thiểu hằng năm cho Quỹ phát triển KHCN từ 200 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn kinh phí cho các nghiên cứu của đội ngũ NKH trẻ trong thời gian tới. Trong Đề án Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020, cũng nhấn mạnh việc sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở Việt Nam gồm khoa học trẻ tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các NKH trẻ.