Quyết định của Quốc hội Hàn Quốc về cắt giảm ngân sách R&D gần 15% dành cho khoa học đang làm dấy lên nỗi lo lắng về triển vọng của các nhà nghiên cứu trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp.

Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đang thực hiện xét nghiệm kháng thể trung hòa tại Viện Vaccine Quốc tế ở Seoul. Ảnh: AFP
Ảnh: Shutter

Vào cuối năm 2023, báo chí Hàn Quốc đồng loạt đưa tin về việc quốc hội nước này đồng thuận với phương án cắt giảm nguồn ngân sách quốc gia dành cho R&D tới gần 15%, cú cắt giảm đầu tiên trong vòng 33 năm trở lại đây. Việc cắt đi 4,6 nghìn tỉ won chỉ là một phần nhỏ so với đề xuất cắt ban đầu của chính phủ, 5,2 nghìn tỉ won, nhưng là một nhượng bộ trước sự chỉ trích và phản đối của cả hai cộng đồng khoa học và chính trị. Sau quyết định này, tổng ngân sách của Hàn Quốc cho R&D còn là 26,5 nghìn tỉ won (tương đương 20,4 tỉ USD).

Bị kẹt giữa phản đối của cộng đồng khoa học và các đảng đối lập, tổng thống Yoon Suk Yeol buộc phải đưa ra cam kết sẽ gia tăng đầu tư cho R&D bằng nguồn riêng của chính phủ trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Để giải quyết những lo ngại về tính bền vững của nhân sự, việc làm trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học, chính phủ đã phải tung ra những khoản đầu tư đặc biệt, ví dụ như 600 tỉ won tăng lên so với đề xuất ban đầu, 52,3 tỉ won được cổ sung để giải quyết vấn đề an ninh việc làm cho các nhà nghiên cứu.

Một khoản 178,2 tỉ won sẽ được phân bổ để hỗ trợ chi phí nhân sự cho các dự án R&D hợp tác với doanh nghiệp. Các dự án này, do sẽ phải trải qua những đánh giá hậu dự án nên có thể không đảm bảo được nguồn đầu tư liên tục cho đội ngũ nhân sự thông qua các khoản cho vay lãi suất thấp. Với sự hỗ trợ của chính phủ, chúng có tiềm năng đem lại lợi ích cho khoảng 16.000 nhà khoa học.

Thêm vào đó, các dự án nghiên cứu cơ bản đón nhận một khoản kinh phí 152,8 tỉ won, và sẽ được phân bổ cho chi phí nhân sự ở các viện nghiên cứu, vốn phụ thuộc vào các mô hình tài trợ theo dự án. Khoản kinh phí này đã tăng so với đề xuất ban đầu 38,8 tỉ won của chính phủ. Các viện nghiên cứu chủ yếu nhận được tài trợ từ các dự án cụ thể chứ không phải từ một dòng chảy ổn định dành cho chi phí lao động chung.

Các công nghệ tiên tiến liên quan đến các sáng kiến khám phá Mặt trăng, truyền thông 6G, và vận tải hàng không đô thị Hàn Quốc cũng nhận được thêm 18,8 tỉ won. Hướng nghiên cứu về các nhà máy điện hạt nhân, một trụ cột dưới chính quyền Tổng thống Yoon nhằm tăng cường an toàn hạt nhân và sức cạnh tranh, nhận được thêm 14,8 tỉ won.

Lo ngại về tương lai


Thông tin về việc cắt giảm ngân sách R&D dĩ nhiên khiến cộng đồng khoa học Hàn Quốc rúng động. Con số 14,7% này, tuy đã được làm nhẹ bớt so với đề xuất cắt 16,6%, cũng có thể khiến cho nhiều nhà khoa học trên khắp đất nước Hàn Quốc thấy khó khăn hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, các nhà khoa học trẻ có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tình huống này xảy ra sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố đầu tư cho R&D vẫn còn được giữ ở mức 5% GDP, vốn là mức đưa Hàn Quốc vào top các quốc gia đầu tư nhiều cho R&D bậc nhất thế giới. Điều này phù hợp với niềm tin phổ biến là Hàn Quốc, một quốc gia giới hạn đất đai và tài nguyên, chỉ còn một cách để trở nên hùng mạnh hơn, thịnh vượng hơn là thông qua những tiến bộ KH&CN.

Nhiều trường đại học Hàn Quốc đang trong cuộc vật lộn để sống sót, khi số lượng sinh viên bị suy giảm. Số thanh niên trong độ tuổi 18 của Hàn Quốc suy giảm từ 706.000 người trong năm 2011 đến 443.000 trong năm 2023. Một số nơi đã phải có hành động cụ thể để thu hút sinh viên, như tái cấu trúc các khoa theo tiêu chí hiệu quả và phù hợp. Theo đó, rất nhiều bộ phận nghiên cứu khoa học cơ bản đã chuyển đổi thành tập trung vào công nghiệp, bao gồm nghiên cứu AI và bán dẫn. Vào năm 2013, có 54 khoa vật lý ở 188 trường đại học Hàn Quốc nhưng sang năm 2022, con số này sụt giảm xuống 45, và nhiều nơi đang trong giai đoạn chờ đóng cửa hoặc chuyển khỏi nghiên cứu cơ bản. Nếu xu hướng này tiếp tục, nhân sự ở các khoa nghiên cứu cơ bản sẽ biến mất.

Thêm vào sự suy giảm của người trẻ, yêu cầu không được tăng học phí của chính phủ được bảo lưu trong 15 năm trong khi chi phí sinh hoạt vẫn tăng đều đặn. Nhiều giảng viên đang được kêu gọi tăng giờ giảng để giảm chi phí nhân sự đang là gánh nặng cho các giảng viên trẻ, những người đang cố gắng có được uy tín khoa học thông qua các bài báo chất lượng cao nhưng lại phải mất nhiều thời gian cho giảng dạy.

Đe dọa với nghiên cứu cơ bản

Một số chi tiết về cắt giảm chi phí đã được thông báo. Với 25 viện nghiên cứu công, kinh phí sẽ bị giảm 25,2% trong năm 2024. Các nhà khoa học sợ hãi điều này sẽ dẫn đến việc cắt giảm vị trí của các nhà nghiên cứu trẻ. Một số viện KH&CN lớn đang chờ đợi là cắt giảm chỉ khoảng 10%, tuy nhiên cũng đủ làm dấy lên lo ngại giữa các học viên cao học.

Những thay đổi lớn cũng được chờ đợi ở Quỹ nghiên cứu Khoa học Hàn Quốc (NRF), cơ quan quỹ lớn nhất quốc gia và là nhà đầu tư chính cho khoa học cơ bản. Được biết, ngân sách sẽ bị cắt ở những dự án khoa học cơ bản để tập trung hơn vào việc tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ khởi động các dự án mới. Tuy nhiên các nhà khoa học dự báo, với các dự án kiểu này, rất khó để ra quyết định bởi khi cắt ngân sách rồi thì lấy đâu ra tiền chi trả cho nhân sự hoặc mua thiết bị.

Dẫu vậy thì những chính sách bất ngờ như vậy có thể làm các nhà nghiên cứu trẻ lúng túng. Ví dụ NRF tăng tối đa các lượng tài trợ cho những đề xuất mới của “các nhà khoa học trẻ xuất sắc” nhưng lại cắt đi 10% số kinh phí của các dự án đang diễn ra. Chính sách này có vẻ mâu thuẫn và có thể làm suy yếu sự bền vững và liên tục của các nỗ lực nghiên cứu.

Do đó, cộng đồng khoa học Hàn Quốc cho rằng, cần phải nhìn vào kinh nghiệm của Nhật Bản, nơi đóng góp rất nhiều nghiên cứu ở đẳng cấp thế giới nhưng đã suy giảm suốt thập kỷ qua về số lượng các nhà nghiên cứu. Bị giới hạn lượng tài trợ và thời gian, các nhà nghiên cứu Nhật Bản phải tìm thêm các nguồn thu khác bù vào cho nghiên cứu, vì vậy họ bị quá tải với giảng dạy, hợp tác với công nghiệp và thực hiện các cam kết từ những dự án gắn với cộng đồng… Đó chính xác là những gì các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang phải đối mặt.

Giải pháp để tránh trường hợp này, theo các nhà khoa học là hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ, những người sẽ đóng vai trò trụ cột cho thành công ở tương lai gần của KH&CN.

Nguồn: Nature và Korea Herald