Với việc thành lập Trung tâm năng lực nghiên cứu, công nghệ và công nghiệp an ninh mạng châu Âu, châu Âu hướng tới mục tiêu bớt phụ thuộc vào mạng và truyền tin không dây ngoài lục địa, đồng thời tăng cường hợp tác giữa giới hàn lâm và ngành công nghiệp.
Trung tâm sẽ được đặt tại Bucharest, Romania kể từ năm 2021 sẽ đóng vai trò kép: vừa là một tổ chức đầu tư và kết nối 27 trung tâm an ninh mạng quốc gia. Dự kiến nó sẽ ra đời trong vòng sáu tháng nữa.
Tổng ngân sách cho trung tâm này sẽ được rót từ chương trình châu Âu số hóa, vốn là nơi có khoảng 1,7 tỉ euro dành cho an ninh mạng. Ngoài ra còn có thêm kinh phí từ Horizon Europe, chương trình đầu tư cho nghiên cứu lớn nhất lục địa già.
Trung tâm này sẽ lần lượt do các quốc gia thành viên chủ trì, với sự tham gia của cả giới công nghiệp và hàn lâm.
Các đe dọa an toàn mạng lớn dần
Josep Borell, đại diện cấp cao của các vấn đề đối ngoại của Nghị viện châu Âu, cho rằng thế giới số đem lại nhiều cơ hội lớn cho châu Âu nhưng cũng là nơi mà các chính phủ, công ty và cá nhân đứng trước những trường hợp vi phạm pháp luật. “Nỗi đe dọa này có thật và phát triển không ngừng”, Borell nhấn mạnh.
Chỉ trong năm 2019, EU đã ghi nhận được 450 tai nạn an ninh mạng đe dọa các cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông khắp châu Âu. Ông Borrell cho rằng trong đại dịch coronavirus còn làm tăng thêm các cuộc tấn công. Chỉ riêng trong tuần đầu tháng 12, Cơ quan Dược châu Âu đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công, với Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech cho biết họ đã nắm được thông tin từ cơ quan này là một số tài liệu liên quan đến việc nộp hồ sơ theo quy định cho vaccine Covid-19 – vốn được lưu trữ tại máy chủ của EMA, đã bị truy cập bất hợp pháp.
Vào tháng chín, một cuộc tấn công dùng mã độc tống tiền đã thả vào các máy chủ tại Bệnh viện trường Đại học Duesseldorf. Cuộc tấn công đã làm hỏng các hệ thống trong bệnh viện, buộc các bác sĩ phải từ chối các trường hợp cấp cứu. “Châu Âu là một mục tiêu chính. Chúng tôi đang chuẩn bị đương đầu với sự thật này”, Borrell nói.
Việc thúc đẩy các năng lực về an ninh mạng “là thiết yếu để bảo vệ các bệnh viện của chúng ta và các dịch vụ công quan trọng. Trung tâm này sẽ tăng cường chiến lược tự chủ công nghệ của chúng ta trong thời điểm an ninh mạng cần thiết hơn trước đây”, Breton nói.
Những kỳ vọng
EU đã lập kế hoạch về trung tâm này một vài lần, nhận đầu tư từ bốn dự án thử nghiệm trị giá 63,5 triệu euro từ chương trình Horizon 2020 kể từ năm 2016. Các dự án này nhằm mục tiêu duy trì và phát triển năng lực an ninh mạng EU cho thị trường số. Các nhà nghiên cứu đã làm việc với 160 đối tác từ 25 quốc gia thành viên EU tham gia vào các cuộc trình diễn an ninh mạng và thử nghiệm y tế số, tài chính số, viễn thông số, thành phố thông minh và vận tải thông minh.
Đây là bước chuẩn bị của EU để đương đầu với tình thế tội phạm mạng ngày một được tổ chức tốt hơn và ngày một mở rộng quy mô hơn trên toàn cầu. Sự tác động vào nền kinh tế của tội phạm mạng được dự báo là sẽ tăng lên tới 5 nghìn tỉ euro vào năm 2021. Do đó các nhà nghiên cứu tư vấn cho EU là cần làm nhiều hơn để đầu tư và khắc phục vụ phân mảnh năng lực về an ninh mạng khắp châu Âu, với 43% các cuộc tấn công mạng nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ có ít nguồn đầu tư cho an ninh mạng.
Một vấn đề khác ở trung tâm này là tầm nhìn vào giáo dục theo lời Kai Rannenberg, một trong những người điều phối của CyberSec4Europe - một dự án thử nghiệm về an ninh mạng của EU, và làm việc tại trường Đại học Goethe Frankfurt. Một phân tích cho thấy các khu vực truyền thống về an ninh mạng như mật mã đã được quan tâm đầu tư với 98% chương trình đều về chủ đề này nhưng vấn đề an ninh trong điều hành và các giải pháp ứng dụng lại thường bị bỏ qua khi chỉ có khoảng 20%.
Trung tâm mới và mạng lưới thiết lập xung quanh nó sẽ giúp lấp đầy khoảng trống này, trong khi khuyến khích các nghiên cứu đề xuất từ dưới lên và ít được các tổ chức chính quyền và nghiên cứu quan tâm. “Chúng tôi đang cố gắng hình thành các mô hình, và chúng tôi hi vọng là cuối cùng thì hệ thống luật pháp châu Âu sẽ hỗ trợ các mô hình này”, Rannenberg nói.
Kęstutis Driaunys của trường Đại học Vilnius hy vọng trung tâm sẽ giúp giải quyết các mối lo chính về an ninh mạng và phân bổ hiệu quả các nguồn lực EU. An ninh mạng là một lĩnh vực đang ngày một phát triển và chạm đến cả hoạt động ở hai lĩnh vực là khoa học và ngành công nghiệp, tuy nhiên vẫn còn thiếu rất nhiều chuyên gia có trình độ cao. “Vì vậy rất quan trọng khi tinh chỉnh lại một cách chiến lược các vấn đề chính và phân bố các nguồn lực một cách hợp lý để giải quyết chúng. Và đó chính là những gì mà chúng tôi chờ đợi từ trung tâm này khi nó đi vào hoạt động”, Driaunys nói.
Romania giành được phiếu nhiều hơn Bỉ, Đức, Lithuania, Luxembourg, Ba Lan và Tây Ban Nha trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn địa điểm đặt trung tâm an ninh mạng châu Âu. Trung tâm nghiên cứu này sẽ là cơ quan cấp châu Âu đầu tiên được đặt tại đất nước này, sau 13 năm kể từ khi Romania gia nhập EU vào năm 2007. Cơ sở ở Bucharest của trung tâm sẽ đảm bảo kinh phí đầu tư nghiên cứu an ninh mạng được phân bổ theo đúng mục tiêu về uy quyền công nghệ mà EU lập ra. |