Với các nghiên cứu chưa thể ứng dụng trong 20 năm tới tổ chức trung gian vẫn tìm được nhà đầu tư hoặc nguồn tiền bảo trợ. Thực tế này ở Mỹ chỉ là giấc mơ của giới nghiên cứu Việt Nam, khi các tổ chức trung gian chuyển giao công nghệ còn rất èo uột.
Ở Mỹ, nhiều nghiên cứu được săn đón, “đặt sẵn nong né” ngay từ giai đoạn phôi thai. Trong khi đó ở Việt Nam, không ít nghiên cứu có tính ứng dụng cao vẫn chỉ nằm trong ngăn kéo, nhiều chiếc máy tốt và rẻ sau khi nghiệm thu lại về nơi tạo ra nó.
Trong buổi tọa đàm “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Viện Công nghệ Massachusetts” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia chỉ ra một tình trạng này: Việt Nam quá thiếu các tổ chức trung gian chuyển giao công nghệ.
Nhà khoa học chỉ việc nghiên cứu
Ông Võ Hoàng Đoan - thạc sĩ công nghệ được đào tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, đồng sáng lập nhiều công ty công nghệ tại Mỹ - cho biết, từ 30 năm trước - khi ông còn là sinh viên tại MIT, mô hình thương mại hóa ở đây đã rất bài bản. Viện nghiên cứu và doanh nghiệp được kết nối thông qua Technology Transfer Office (TTO - văn phòng chuyển giao công nghệ) hay Technology License Office (TLO - văn phòng chuyển giao quyền sử dụng công nghệ). Các tổ chức trung gian này hoạt động cực kỳ hiệu quả.
Đối với các nghiên cứu tiềm năng (có thể ứng dụng trong 3-5 năm tới), TLO kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu, mời gọi hợp tác đầu tư nghiên cứu hoặc phát triển nghiên cứu theo hướng đặt hàng. Với các nghiên cứu tầm nhìn (có khả năng ứng dụng sau khoảng 20 năm, thậm chí chưa biết sử dụng nó vào việc gì), TLO vẫn tìm nhà đầu tư. Ngay cả khi không tìm được nhà đầu tư, nghiên cứu đó vẫn được bảo trợ bởi chính nguồn lực của TLO.
“Nhà khoa học chỉ cần nghiên cứu, việc chuyển giao đã có TLO, việc ứng dụng đã có doanh nghiệp, còn việc phản hồi thì đã có dư luận. Bởi vậy, quá trình nghiên cứu không chỉ có nhà khoa học mà cả chuyên gia của hãng sản xuất và TLO. Họ hỗ trợ nhau để đưa ra một sản phẩm gần nhất với mong muốn của công ty, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng” - ông Đoan cho biết.
Tuy nhiên ở Việt Nam, mô hình của MIT đang là mơ ước. Nghịch lý nghiên cứu nhiều, kết quả có nhưng ứng dụng ít tồn tại ngay ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Mỗi năm, viện có hàng trăm đề tài, dự án được xét duyệt, nhưng con số được chuyển giao rất khiêm tốn.
Quá thiếu tổ chức trung gian
“Các tổ chức TTO hay TLO thì Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đều có cả, nhưng hoạt động chưa hiệu quả” - PGS-TS Phan Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói.
Ông Dũng cho biết, trong 2 đơn vị trung gian chuyển giao công nghệ ở viện, Trung tâm Đào tạo, Tư vấn chuyển giao công nghệ không đại diện được cho các công nghệ của viện để tìm kiếm liên kết với doanh nghiệp. Các đơn vị trực thuộc viện đều phải tự làm công việc này nếu tìm được doanh nghiệp có nhu cầu. Còn Trung tâm Phát triển công nghệ cao tuy hoạt động hiệu quả nhưng chỉ trong nội bộ đơn vị này -nghĩa là từ nghiên cứu đến ứng dụng sản xuất đều do trung tâm thực hiện.
Theo ông Dũng, muốn thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu, các văn phòng chuyển giao công nghệ cần có sự năng động để kết nối giữa nhà khoa học và nhà đầu tư, cần có tầm nhìn để đánh giá công nghệ, cần có định hướng nhất quán để phát triển thành một tổ chức mà kinh phí hoạt động dựa trên chính khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nó.
Ông Dũng cũng cho biết, sẽ tham mưu với lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cải tiến bộ máy này để hoạt động trung gian có hiệu quả hơn. Dự kiến, trước mắt sẽ chọn 1-2 công nghệ chuyển giao thí điểm trước khi coi là mô hình mẫu để mở rộng.
Với nhiều nỗ lực, việc chuyển giao công nghệ ở viện bước đầu có khởi sắc. Một chuyên gia Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ tiết lộ, đã có 3 công nghệ của viện định giá xong, chỉ cần vài thủ tục là có thể chuyển giao.
TS Vũ Đức Lợi - Viện Hóa học - cho biết một đối tác đang muốn mua công nghệ tinh chế thép từ bùn đỏ của viện; hoặc nhận chuyển giao một phần và hợp tác trong 20 năm. Giá trị hợp đồng có thể lên tới 1,5 triệu USD.