|
Những mẻ cá biển tươi được ngư dân đưa cá về cảng Thọ Quang để bán - Ảnh: VGP/Thế Phong
|
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều chính sách phát triển thủy sản thiết thực, được triển khai lồng ghép với các chính sách của Trung ương, đã tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản và đời sống kinh tế của ngư dân.
Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Đà Nẵng đã đóng mới 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) với tổng vốn vay 116,5 tỷ đồng. Đến nay các tàu đã đi vào hoạt động sản xuất, trong đó có 4 tàu khai thác và 3 tàu hậu cần. Ngoài ra, còn có 2 tàu được vay vốn nâng cấp, hàng nghìn lượt tàu mua bảo hiểm thuyền viên và bảo biểm thân tàu.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai có hiệu quả và kịp thời các chính sách của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định 118/2007 về khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển, Quyết định 48/2010 hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa.
Ngoài chính sách của Chính phủ, năm 2014, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 47 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu hậu cần từ 400 CV trở lên. Đến nay, toàn thành phố đã đóng mới 120 tàu và đang đóng mới 17 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ trên 94,5 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ đóng mới, thành phố còn hỗ trợ các tàu công suất nhỏ xả bản nhằm giảm áp lực khai thác vùng ven bờ với 133 phương tiện.
Các chính sách này là động lực thúc đẩy nghề cá Đà Nẵng vươn khơi, dần dần hiện đại hóa nghề cá. Cơ cấu tàu thuyền và nghề chuyển biến mạnh theo hướng tặng mạnh tàu công suất lớn khai thác vùng khơi, đồng thời giảm mạnh nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thủy sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), tăng nghề khai thác vùng khơi (lưới rê cước, rê chuồn, lưới vây) theo hướng bền vững.
Đến nay, thành phố có 1.254 tàu cá với tổng công suất đạt 318.508 CV, bình quân 304,2 CV/tàu. Trong đó, tàu công suất dưới 90 CV có 593 chiếc, chiếm 47,3%; tàu công suất từ 90 CV trở lên có 166 chiếc, chiếm 52,7% (tàu 400 CV trở lên có 540 chiếc). So với năm 2010 thì số lượng tàu cá có xu hướng giảm rõ rệt (giảm 447 chiếc) nhưng công suất bình quân mỗi tàu lại tăng, từ 41,8 CV/tàu năm 2010 lên 304,2 CV/tàu. Đây là tín hiệu tốt chứng tỏ ngư dân tăng cường đóng tàu lớn để vươn khơi.
Tổng sản lượng khai thác hản sản của thành phố hằng năm dao động từ 38.500 đến 43.000 tấn với tổng giá trị từ 1.500 đến 1.750 tỷ đồng. Giá trị khai thác hải sản tăng theo từng năm, nếu như năm 2010 bình quân 1 tấn hải sản có giá hơn 20 triệu đồng/tấn thì đến nay tăng hơn 47,8 triệu đồng/tấn. Điều này chứng tỏ các chính sách phát triển thủy sản đã giúp ngư dân đầu tư chuyển đổi nghề khai thác có chọn lọc, khai thác các sản phẩm có giá trị kinh tế, nhận thức của ngư dân về bảo quản sản phẩm được nâng cao. Bên cạnh đó, chợ đầu mối hải sản đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân thành phố Đà Nẵng còn nhiều khó khăn như chất lượng sản phẩm khai thác còn thấp, sản phẩm khai thác không ổn định. Hiện vẫn chưa có thiết bị giám sát hành trình trên các tàu có chiều dài từ 15 m trở lên theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Hiệu quả các tàu đóng mới theo Nghị định 67 chưa cao.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu Sở NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị thành phố Đà Nẵng phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về Luật Thủy sản 2017, Nghị định17/2018, Chỉ thị 75 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác bất hợp pháp, Quyết định 48/2010 của Thủ tướng về hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa.
UBND TP. Đà Nẵng sẽ sớm trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025, cụ thể: Hỗ trợ thêm 40% lệ phí mua bảo hiểm thân tàu (ngoài phần hỗ trợ của Chính phủ; hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và kinh phí thuê bao năm đầu tiên; hỗ trợ 50% phí đầu tư mua sắm thiết bị để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Tập trung phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biển hải sản, phát triển mạng lưới thông tin biển, hiện đại hóa các trang thiết bị khai thác và bảo quản sản phẩm; xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2018-2020; xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân khai thác hải sản ven bờ; khuyến khích và nhân rộng các mô hình tổ ngư dân khai thác xa bờ, gắn kết ngư dân với các tổ/đội/HTX và doanh nghiệp theo chuỗi khai thác, chế biến và tiêu dùng.