Khi mổ xẻ, đào sâu nguyên nhân, gốc rễ của các vấn đề giáo dục và học đường nghiêm trọng và dồn dập trong vài năm trở lại đây, ý kiến của giới học giả, trí thức hội tụ vào khái niệm “triết lý giáo dục”. Triết lý giáo dục bỗng chốc trở nên phổ biến, và phần nào xuất hiện như câu “cửa miệng” trong các câu chuyện giáo dục.

Người ta hào hứng nói về triết lý giáo dục, rằng nó là cái gì và rằng nó phải như thế nào. Chỉ có điều càng nói, càng bàn, người ta mới chợt giật mình nhận ra cái họ đang nói đến không phải là một. Đã có những diễn đàn chính thức và không chính thức về triết lý giáo dục. Nhưng càng nỗ lực cắt nghĩa nó, người ta càng cuốn vào đó nhiều khái niệm to tát khác về giáo dục, với sự pha trộn lẫn lộn ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, chẳng hạn như “triết học giáo dục”.

Học sinh tại lễ phát động cuộc thi Giải Toán qua Internet năm học 2014-2015. Nguồn: fpteducationgroup.wordpress.com

Học sinh tại lễ phát động cuộc thi Giải Toán qua Internet năm học 2014-2015. Nguồn: fpteducationgroup.wordpress.com

Câu chuyện trở nên nguy hiểm khi các khái niệm được khoác lớp vỏ ngôn ngữ tinh vi để che chắn cho sự thiếu hiểu biết, thậm chí ngụy biện cho các thực hành giáo dục trong nước. Sự hoang mang mà câu chuyện này gây ra cho thấy những lỗ hổng trong hiểu biết về những vấn đề nền tảng, cốt lõi, mang tính triết học của ngành.

Triết học, theo nghĩa gốc trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tình yêu trí tuệ” (love of wisdom), được người Hy Lạp cổ dùng để chỉ sự “mưu cầu tri thức”. Triết học tìm hiểu và lý giải về bản chất của sự tồn tại, của hiện thực, của tri thức thông qua lập luận. Theo từ điển Triết học Oxford, triết học nghiên cứu các đặc điểm khái quát và trừu tượng về thế giới và những thứ như vật chất, lý trí, lập luận, chứng cứ, sự thật, v.v. Các câu hỏi triết học kiểu như vậy nảy sinh trong tất cả các ngành, các lĩnh vực như Luật học, Thần học, Vật lý, Toán học, Tâm lý học, Lịch sử, Ngôn ngữ học…, và tất nhiên bao gồm cả Khoa học Giáo dục.

Chẳng hạn Triết học của Khoa học (Philosophy of Science) trả lời các câu hỏi sau: (i) Cơ sở, nền tảng của khoa học là gì, ví dụ như bản chất các tiền đề khoa học; (ii) bản chất của những gì khoa học khám phá, bao gồm cả những khái niệm trừu tượng; (iii) mục đích của khoa học là gì; (iv) sự phát triển của kiến thức khoa học; (v) phân biệt giữa kiến thức khoa học và các hệ kiến thức khác, giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; (vi) mối quan hệ giữa khoa học và đạo đức (Epstein, 2011).

Triết học của Vật lý nghiên cứu các câu hỏi cơ bản trong Vật lý hiện đại, các vấn đề về vật chất, năng lượng và sự tương tác của vật chất. Các vấn đề chính yếu của triết học Vật lý liên quan tới bản chất của không gian và thời gian, các hạt cơ bản, đồng thời bao gồm dự đoán về vũ trụ học, diễn giải cơ học lượng tử, nền tảng của cơ học thống kê, quan hệ nhân quả, quyết định luận, và bản chất của các định luật Vật lý (Salmon, Earman et al. 1992).

Triết học của Tâm lý học cũng đặt ra các vấn đề nghiên cứu về nhận thức luận và phương pháp luận trong nghiên cứu tâm lý học, chẳng hạn như thuyết nào trong thuyết tâm thần và thuyết hành vi là phù hợp và làm sao để đo lường trải nghiệm của con người (cảm xúc, ước muốn, niềm tin, v.v) một cách khách quan. Các câu hỏi triết học kinh điển của Tâm lý học là về bản chất và đặc tính của lý trí, não bộ, nhận thức, v.v. Ngoài ra, triết học của Tâm lý học hiện đại cũng xem xét các vấn đề về khoa học thần kinh nhận thức, tâm lý học tiến hoá, trí tuệ nhân tạo, và trả lời câu hỏi Tâm lý học có thể và không thể giải thích được cái gì (Machamer 1992).

Còn với Khoa học Giáo dục, triết học ngành này quan tâm đến việc tìm hiểu, phản biện, và lý giải các ý tưởng và thực hành giáo dục. Các câu hỏi căn bản triết học giáo dục giải quyết như giáo dục là gì, mục đích của giáo dục là gì, người học cần học gì, giáo viên phải giảng dạy như thế nào, v.v.

Theo nhà triết học Amy Gutmann (1987, tr. 14), giáo dục là quá trình tái tạo xã hội có chủ đích, gồm những hoạt động xã hội loài người chủ ý tái tạo chính họ bằng cách truyền lại niềm tin, tập quán và kỹ năng cho thế hệ sau. Tuy nhiên, Warnick (2017) cho rằng giáo dục là quá trình con người định hình sự phát triển tâm sinh lý, năng lực xã hội, thể chất và cảm xúc của thế hệ sau kể cả có chủ ý và vô thức.

Trong khi đi tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi triết học trên cũng như những câu hỏi nhận thức luận và phương pháp luận trong khoa học giáo dục, các nhà nghiên cứu giáo dục phải kết hợp triết học của các ngành khác như triết học chính trị và xã hội, đạo đức, nhận thức luận, mỹ học. Kiến thức chuyên ngành các ngành khoa học xã hội như Tâm lý học, Xã hội học, Lịch sử, Luật học, Kinh tế học và bất cứ thứ gì giúp họ hiểu được con người như Văn học, Nghệ thuật cũng đều quan trọng với các nhà nghiên cứu triết học Giáo dục (Warnick 2017). Ở các nước nói tiếng Anh, bốn ngành có ảnh hưởng lớn nhất tới nghiên cứu giáo dục là Triết học, Lịch sử, Xã hội học và Tâm lý học (Biesta 2017). Điều này khẳng định đặc trưng của Khoa học Giáo dục là khoa học liên ngành.

Triết học của Giáo dục lấy con người tiến hóa toàn diện làm trung tâm và sử dụng các lý thuyết học tập của Tâm lý học phát triển làm cốt lõi. Hơn nữa, triết học của Giáo dục còn xem xét các khía cạnh đạo đức xã hội trong giáo dục và thực hành giáo dục.

Như vậy, triết học của Giáo dục mang các đặc trưng khu biệt so với triết học các ngành khoa học khác, nhưng mang tính phổ quát đối với toàn ngành Khoa học Giáo dục. Trong khi đó, triết lý giáo dục, những nguyên lý cốt lõi chi phối tổng thể một hệ thống hoặc chương trình giáo dục, cần phải có những khác biệt đặc thù theo từng hệ thống, chỉ có giá trị ở hệ thống được thiết kế theo nó. Triết lý giáo dục cần phải nhất quán với mục tiêu và phương pháp giáo dục, phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội, lịch sử và các điều kiện nguồn lực thực hiện tại một điểm không gian và thời gian cụ thể.

Câu chuyện “triết lý giáo dục” của Việt Nam, do vậy, cần phải được tiếp tục bàn luận, xây dựng bởi những người có chuyên môn và chức trách một cách khoa học và hệ thống. Trong quá trình xây dựng và minh định triết lý cho nền giáo dục quốc dân, nhận thức về triết học giáo dục sẽ giúp soi sáng nhiều điều, định hướng đúng đắn cho việc phát triển chương trình giáo dục và xây dựng chính sách giáo dục. Cũng như vậy, đối với người làm khoa học nói chung, việc suy ngẫm, trăn trở về triết học của khoa học, của ngành luôn giúp chúng ta có tư duy rành mạch và hiểu biết vững chắc về lĩnh vực và công việc của mình.

Tài liệu tham khảo

Biesta, Gert (2017). Continental Philosophy of Education in “Philosophy: Education”, edited by Bryan R. Warnick and Lynda Stone, Macmillan Reference USA. Macmillan Interdisciplinary Handbooks.
Gutmann, Amy (1987). Democratic Education, Princeton, NJ: Princeton University Press.
Epstein, M. (2011). Introduction to the Philosophy of Science.
Machamer, P. (1992). Philosophy of Psychology. Introduction to the Philosophy of Science M. Salmon, J. Earman, C. Glymour et al. Indianapolis/Cambridge, Prentice-Hall.
Salmon, M., et al. (1992). Introduction to the Philosophy of Science. Indianapolis/Cambridge, Prentice-Hall.
Warnick, B. R. (2017). Introduction. Philosophy: Education. B. R. Warnick and L. Stone. Farmington Hills, Macmillan.