Năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới và đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020 chiều 27/12. Theo bà, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2020 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

“Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới”, bà Hương cho hay. Cụ thể, nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 2,91%, tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng Việt Nam thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng năm 2020 cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng trở lại trong những tháng cuối năm.

Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và tiêu thụ nông sản. Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, lúa các vụ được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế năm 2020. "Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới và đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay", bà Hương cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. "Tiến trình tái cơ cấu chậm làm cho chất lượng tăng trưởng thấp. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng chưa bảo đảm chất lượng và thiếu tính bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế", bà Hương nhận định.

Dưới đây là những số liệu công bố chính thức:

Số liệu thống kê năm 2020. Nguồn: Tổng cục Thống kê