Sau nhiều năm thông tin hạn chế số liệu, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vừa có những động thái làm mới về minh bạch hóa thông tin.

Thay vì phải chờ tới hết năm để đọc báo cáo thường niên, hoặc trích xuất từ các cuốn kỷ yếu hội thảo về năng lượng, giờ đây các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng tham chiếu số liệu công bố về tỷ trọng sở hữu nguồn điện hằng năm, thành phần phụ tải (tức là cơ cấu các hộ tiêu dùng điện), cũng như sản lượng huy động nguồn điện hằng tháng trên trang chủ của EVN tại http://www.evn.com.vn

Những số liệu này dù không có gì bí mật và luôn cần thiết mỗi khi làm nghiên cứu về ngành điện, nhưng trước đây không phải ai cũng có thể dễ dàng truy cập bởi các số liệu chỉ được hiển thị công khai trên màn hình điện tử cạnh sảnh thang máy tại trụ sở của EVN ở Hà Nội.

“Nhiều người [ngoài ngành] phải đến tận nơi hoặc gọi điện nhờ chụp ảnh hộ mới có được các con số. Như vậy khá là bất tiện”, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng bày tỏ trên trang cá nhân.

Một số người đánh giá việc công khai số liệu ngay trên trang chủ của EVN là tín hiệu đổi mới công tác truyền thông của tập đoàn này. Họ đánh giá EVN đang hướng tới tăng cường sự minh bạch sau nhiều năm giữ kín thông tin, rồi hé lộ từ từ, và phải chịu hậu quả khi chạy theo xử lý các cuộc khủng hoảng truyền thông đến từ việc thiếu thông tin được công bố rộng rãi và có kiểm chứng.

Dưới đây là một số biểu đồ chụp từ website của EVN trong sáng ngày 8/8/2023

Tỷ trọng thành phần phụ tải điện toàn quốc năm 2023. Nguồn: EVN
Tỷ trọng thành phần phụ tải điện toàn quốc năm 2023. EVN đang quản lý nhu cầu phụ tải điện của toàn quốc, trong đó điện chủ yếu dùng cho công nghiệp và xây dựng (51,3%), sinh hoạt và tiêu dùng (35,4%), thương mại, dịch vụ (5,3%), nông nghiệp (3,9%) và các nhu cầu khác (4,2%). Nguồn: EVN

Tỷ trọng nguồn điện theo cơ cấu chủ sở hữu năm 2023. Nguồn: EVN
Tỷ trọng nguồn điện theo cơ cấu chủ sở hữu năm 2023. Từ đầu những năm 2000, Việt Nam bắt đầu tư nhân hóa ngành điện. Hiện nay, tư nhân chiếm 42% các nguồn điện của cả nước, theo sau là Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN và các công ty thành viên (37%), dự án đối tác BOT (10%), Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN (8%), Tập đoàn công nghiệp than TKV (2%), điện nhập khẩu và các nguồn khác (1%). Nguồn: EVN

Sản lượng huy động nguồn từ tháng 1-7/2023. Nguồn: EVN
Sản lượng huy động nguồn từ tháng 1-7/2023. Trong đó, nhiệt điện than và thủy điện vẫn là các nguồn cung chính để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.Theo EVN, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Các nguồn năng lượng tái tạo đang được tích hợp ở mức tương đối cao trong lưới điện (khoảng 10-16%). Nguồn: EVN

Quy mô lưới điện truyền tải của Việt Nam năm 2023. Nguồn: EVN
Quy mô lưới điện truyền tải của EVN năm 2023. Hệ thống điện Việt Nam với các cấp điện áp 500 kV, 220 kV (lưới truyền tải) và 110 kV, 35 kV, 22 kV (lưới phân phối) đã được đầu tư xây dựng đủ mạnh cho liên kết tỉnh, liên kết vùng và kể cả liên kết với các nước láng giềng. Từ năm 2008 đến tháng 8/2023, đường dây truyền tải của EVN đã tăng gấp 2,43 lần (từ 12.015 km lên 29.232 km); số lượng trạm biến áp truyền tải tăng gấp 2,8 lần; dung lượng máy biến áp tăng gấp 4,9 lần. Nguồn: EVN