Nghiên cứu khảo cổ và sử học đã phát lộ sự bất bình đẳng kinh tế-xã hội thực sự định hình quá trình của Cái chết đen và các bệnh dịch khác.

Minh họa năm 1625, người dân London đang tháo chạy khỏi dịch hạch bị những nông dân chặn lại. Nguồn: Thư viện Công cộng New York / Tư liệu Khoa học.

Khi Cái chết đen tràn vào London tháng 1/1349, thành phố chìm trong sợ hãi suốt nhiều tháng trời. Người dân London đã được cảnh báo về mức độ tàn phá ở các thành phố khác như Florence, nơi 60% người dân chết vì dịch hạch một năm trước. Mùa hè năm 1348, căn bệnh cập bến châu Âu và bắt đầu xâm lấn vào trung tâm lục địa. Dịch hạch gây ra các triệu chứng đau đớn và đáng sợ, gồm sốt, nôn mửa, ho ra máu, mụn mủ đen trên da, sưng hạch lympho và thường gây tử vong trong vòng 3 ngày.

London đã chuẩn bị theo cách tốt nhất có thể: Chính quyền cho xây nghĩa trang khổng lồ East Smithfield, để chôn càng nhiều càng tốt trong vùng đất đã được làm phép, giúp Chúa xác định người chết là Kito hữu trong ngày phán xét. Không thể cứu được sự sống, thành phố cố gắng cứu rỗi các linh hồn.

Mức độ khủng khiếp của bệnh dịch đúng như lời đồn: Năm 1349, nó giết nửa dân số London và trong khoảng 1347-1351, nó cướp đi sinh mạng của nửa dân số Pháp cũng như 30-60% người châu Âu. Dường như không ai được an toàn. Theo ghi chép của Gilles Li Muisis, “người giàu, trung lưu lẫn ăn xin, không một ai được bảo vệ, họ đều phải chấp thuận ý nguyện của Chúa”.

Cấu trúc bất bình đẳng định hình tác động của dịch bệnh

Tuy vậy, nghiên cứu khảo cổ và sử học tại East Smithfield và các nơi khác đã lật lại vấn đề, làm phát lộ sự bất bình đẳng kinh tế-xã hội thực sự định hình quá trình của Cái chết đen và các bệnh dịch khác. Nhà khảo cổ sinh học Gwen Robbins Schug từ Đại học Appalachia State, chuyên gia về sức khỏe và bất bình đẳng trong xã hội cổ đại, cho biết, các đại dịch thường nương theo khiếm khuyết sẵn có của mỗi xã hội. Đối mặt với nguy cơ cao nhất vẫn là người yếu thế, người nghèo, hoặc nhóm thiểu số do chịu sự phân biệt đối xử về sức khỏe và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Theo chiều ngược lại, chính đại dịch cũng góp phần thay đổi cán cân xã hội, bằng cách làm suy yếu hoặc củng cố cấu trúc quyền lực hiện có.

Thực tế đó cũng bị phô bày rõ nét trong đại dịch Covid-19. Mặc dù làm lây nhiễm cho nhiều người giàu có và quyền thế, như Thủ tướng Anh Boris Johnson hay diễn viên nổi tiếng Tom Hanks, nhưng SARS-CoV-2 không phải là “sát thủ công bằng”. Tại New York, người gốc Mỹ Latin và da đen bị ảnh hưởng gấp đôi so với người da trắng. Các ca bệnh thường tập trung ở vùng dân cư nghèo hơn, nơi người dân sống trong các căn hộ đông đúc, không thể làm việc tại nhà hay đi nghỉ trốn dịch.

Cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 là giai đoạn có khí hậu lạnh hơn và thời tiết thất thường, mùa màng thất bát, nạn đói triền miên từ trước đại dịch rất lâu. Nạn đói kinh hoàng những năm 1315-1317 khiến 15% dân số Anh chết đói. Tiền công giảm, trong khi giá ngũ cốc tăng vọt, đẩy nhiều người vào cảnh bần cùng. Sổ kế toán và lương công nhân của một điền trang ở Anh cho thấy 70% gia đình sống ở mức hoặc dưới mức nghèo khổ, tức là không thể mua đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm để không bị đói rét. Trong khi đó, 3% gia đình giàu nhất nắm 15% tổng thu nhập quốc dân.

Nhà nhân chủng học Sharon DeWitte, ở Đại học South Carolina đã điều tra nạn đói nghèo ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dân bằng cách khai quật các di cốt từ các nghĩa trang ở London thời Trung Cổ. Ông nhận thấy, những nạn nhân của Cái chết đen dường như thấp hơn và chết trẻ hơn so với những người chết trong giai đoạn hai thế kỷ trước đó. Răng họ cũng có nhiều rãnh cho thấy tình trạng phát triển men răng bị gián đoạn, là một dấu hiệu suy dinh dưỡng, bệnh tật hoặc các phát triển sinh lý bất thường thời thơ ấu.

Để xem liệu sức khỏe kém có khiến người ta dễ mắc dịch hạch hơn không, DeWitte khai quật hàng trăm bộ di cốt ở East Smithfield. Bà thống kê phân bố tuổi người chết, cũng như của người có xương kém phát triển. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi và sức khỏe kém nhiều khả năng chết do dịch hạch hơn. Các bộ di cốt không trực tiếp thể hiện tầng lớp xã hội của người chết, nhưng hiển nhiên cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật phổ biến hơn trong những người ngoài lề xã hội. Và tư liệu lịch sử cũng cho thấy người giàu nhất ở Anh ít bị bệnh hơn so với người nghèo. Có lẽ chỉ 27% địa chủ giàu có ở Anh mắc dịch hạch qua đời, so với tỷ lệ tử vong 40-70% của tá điền.

Góp phần xóa sổ cáccộng đồng bản địa

100 năm sau, ở bên kia địa cầu, bệnh đậu mùa tấn công cộng đồng Cherokee bản địa vùng Đông Nam Hoa Kỳ. Ở những nơi khác trên thế giới, căn bệnh điển hình với sốt và mụn mủ đã giết chết khoảng 30% người mắc. Nhưng đối với người Cherokee, mầm bệnh đáng sợ còn trở nên tàn khốc hơn nữa. Nhà sử học Paul Kelton ở Đại học Stony Brook cho biết mặc dù người ta vẫn đổ lỗi tỷ lệ tử vong cao do cộng đồng bản địa thiếu miễn dịch, nhưng thật ra chính sách thời kỳ thuộc địa đã khuếch đại mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Chẳng hạn, dịch đậu mùa giữa thế kỷ 18 ở vùng Đông Nam diễn ra đồng thời với cuộc xâm lăng của thực dân Anh (chiến tranh Anglo-Cherokee). Quân Anh thực hiện chiến lược tiêu thổ, đốt phá ruộng vườn và buộc cư dân Cherokee bỏ xứ ra đi. Các nhà sử học cho rằng ở thời điểm cuối đại dịch và chiến tranh, dân số Cherokee đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy. “Chính chiến tranh đã mở rộng cửa cho dịch bệnh đậu mùa vào tàn phá”, Kelton nói.

Những thảm kịch tương tự lặp lại nhiều lần suốt hàng trăm năm tại các cộng đồng bản địa khắp châu Mỹ. Michael Wilcox, nhà khảo cổ chuyên về người Mỹ bản địa ở Đại học Stanford cho biết người bản địa bị buộc rời khỏi vùng đất của mình đến nơi thiếu nước sạch hoặc đầy đủ nguồn thực phẩm. Những người sống trong các khu vực thuộc thẩm quyền Giáo hội bị cưỡng bức lao động quá sức trong các điều kiện chen chúc mà Wilcox ví như đĩa petri cho mầm bệnh. Những bộ xương bị chôn trong thời kỳ khai phá thuộc địa Tây Ban Nha dưới vỏ bọc khai minh Thiên Chúa vào thế kỷ 16 cũng có các dấu hiệu mà DeWitte tìm thấy ở London trong Cái chết đen.

Đầu thế kỷ 20, nhiều cộng đồng bản địa bị buộc dời đến các khu “bảo tồn”, khó tiếp cận nguồn thực phẩm truyền thống và chăm sóc y tế cơ bản. Đến khi một bệnh dịch khác quét qua – đại dịch cúm 1918 – người bản địa chết với tỷ lệ gấp bốn lần phần còn lại của Mỹ. Nhà sử học y tế Mikaëla Adams của Đại học Mississippi cho biết “một phần lý do là họ phải trải qua tình trạng suy dinh dưỡng, đói nghèo, sức khỏe kém nghiêm trọng.” Một số trường hợp chịu hậu quả thê thảm hơn các vùng khác rất nhiều. Chẳng hạn, xứ tự trị Navajo có tỷ lệ tử vong do dịch cúm 1918 lên tới 12%, trong khi tỷ lệ chung toàn cầu chỉ khoảng 2.5%-5%. Một vài cộng đồng bản địa ở những vùng xa xôi như Canada hay Alaska mất đến 90% dân số.

Còn ngày hôm nay, xứ tự trị Navajo cũng là nơi ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 nhiều nhất ở Mỹ chỉ sau New York và New Jersey, mặc dù tỷ lệ xét nghiệm tầm soát cao. Đái tháo đường hay một số bệnh nền là yếu tố nguy cơ dẫn đến làm Covid-19 biến chứng nặng cũng phổ biến trong vùng này, thậm chí nhiều người dân nơi đây còn không có nước máy. Đại dịch đã làm lộ rõ lịch sử hàng thế kỷ bị phân biệt đối xử và bị bỏ rơi của xứ Navajo.

Đậu mùa xảy ra ở thành phố Mexico, thế kỷ 16 qua nét vẽ của nghệ sĩ bản địa. Đàn áp thực dân khiến sự hồi phục sau đại dịch càng thêm khó khăn. Nguồn: Thư viện Medicean Laurentian, Florence, MS. MAD. PALAT. 220, F. 461V, dưới sự cho phép của MiBACT.

Không chỉ riêng người Mỹ bản địa, nhiều nhóm có địa vị kinh tế-xã hội thấp cũng trải qua sự mất cân đối về dân số trong đại dịch năm 1918. Nhà nhân khẩu học Svenn-Erik Mamelund từ Đại học Oslo Metropolitan xuất bản một nghiên cứu năm 2006 cho thấy giấy chứng tử ở khu vực nghèo nhất trong thành phố Oslo cao hơn 50% so với một giáo xứ giàu có. Tại Mỹ, những công nhân khai mỏ và làm trong nhà máy chết với tỷ lệ cao hơn dân số chung, theo Nancy Bristow, nhà sử học tại Đại học Puget Sound.

Những người da đen cũng phải đối mặt với tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm cao đáng kinh ngạc. Năm 1906, không có đại dịch, tỷ lệ này là 1123/100,000 ở người không phải da trắng (chủ yếu là người da đen vào thời điểm này). Trong khi đó, năm 1918, năm đại dịch cúm, tỷ lệ này ở người da trắng là 928/100,000.

Những hệ quả lâu dài

Lịch sử Hoa Kỳ trải qua một thời kỳ phân biệt chủng tộc cực độ (nadir) trong giai đoạn từ năm 1877 đến đầu thế kỷ 20. Bác sĩ Vanessa Northington Gamble, người chuyên nghiên cứu về lịch sử y học từ Đại học George Washington nói đạo luật Jim Crow hợp pháp hóa kỳ thị dân da đen ở miền Nam cũng như tình hình kỳ thị ngấm ngầm hiển nhiên ở miền Bắc đẩy bệnh nhân da đen vào các bệnh viện tách biệt và quá tải.

Hiện nay ở thủ đô Washington, người da đen chiếm 45% tổng số ca Covid-19 nhưng đến 79% số ca tử vong. Cuối tháng 4, người da đen vượt quá 80% số bệnh nhân nhập viên ở bang Georgia, và hầu hết các ca tử vong tập trung ở St. Louis.

Nhà sử học kinh tế Guido Alfani từ Đại học Bocconi cho biết, tuy Cái chết đen năm 1350 đã đi qua nhưng nó để lại hậu quả kinh tế lâu dài. Qua nghiên cứu hồ sơ thuế tài sản trong 500 năm, ông thấy rằng bất bình đẳng kinh tế đã giảm mạnh ở hầu khắp châu Âu trong và sau Cái chết đen.

Ở bang Sabaudian miền Bắc Ý, tỷ lệ sở hữu tài sản của 10% người giàu nhất từ 61% vào năm 1300 đã trượt dài trong Cái chết đen và giảm sau đó về mốc 47% vào năm 1450. Alfani cũng thấy xu hướng tương tự ở miền Nam Pháp, Đông Bắc Tây Ban Nha và Đức. Các phân tích về tài sản hộ gia đình và hồ sơ điền trang cho thấy tình hình tương tự ở Anh, nơi lương thực tế tăng gấp ba trong khoảng đầu thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 15 và mức sống chung được cải thiện.

Alfani cho rằng tình trạng thiếu hụt nhân công do dịch hạch đẩy mức tiền lương lên cao. Những người giàu qua đời do dịch bệnh khiến những khối tài sản lớn bị chia nhỏ cho nhiều người thừa kế và đem bán ra thị trường, giúp những người nông dân sở hữu được một mảnh đất mà họ hằng mong ước.

Dịch hạch không biến mất sau Cái chết đen. Nhiều nước như Anh và Ý phải trải qua nhiều đợt bùng phát liên tiếp. Tuy nhiên, những đợt dịch hạch sau dường như lại củng cố sự bất bình đẳng. Bởi sau Cái chết đen, dịch hạch trở thành mối lo thường trực của xã hội phương Tây, khiến giới thượng lưu tìm mọi cách để bảo vệ sức khỏe và tài sản của họ.

Khắp châu Âu, nhà giàu viết di chúc chuyển giao những khu đất lớn cho người thừa kế duy nhất, cách ly trong tư gia ngay khi dịch bùng phát. Theo hồ sơ mai táng và rửa tội, từ năm 1563 đến 1665, tỷ lệ tử vong trong các đợt dịch hạch đã giảm đáng kể ở các giáo xứ giàu có của London, bất chấp bệnh dịch nghiêm trọng ở những khu vực nghèo, đông đúc. Trong thế kỷ 15-16, các bác sĩ Ý mô tả dịch hạch là bệnh của người nghèo.

Định kiến giai cấp đã lặp đi lặp lại trong lịch sử. Kelton nêu ví dụ trong dịch tả ở Mỹ vào thế kỷ 19, giới tinh hoa đã vẽ nên ý tưởng về những người mang khuynh hướng bị bệnh. Họ là ai? Là người nghèo, dơ bẩn, bê tha. Nhưng thực ra họ dễ bị tổn thương không xuất phát từ hành vi của họ dễ nhiễm khuẩn, mà do người nghèo nhiễm phẩy khuẩn tả trong nguồn nước sinh hoạt không đạt chuẩn.

Thomas Ecletty từ Trường Kinh tế Paris cho biết hệ quả kinh tế do đại dịch cúm 1918 không rõ ràng. Bất bình đẳng kinh tế ở châu Âu giảm đáng kể từ năm 1918, kéo dài đến thập niên 1970. Nhưng Alfani cho rằng không thể tách bạch tác động của đại dịch và cuộc thế chiến thứ nhất. Chiến tranh đã tàn phá châu Âu, khiến người giàu mất các tài sản và vốn đầu tư ở nước ngoài, từ đó giảm bất bình đẳng.

Tại Hoa Kỳ, đại dịch không hề làm suy yếu nạn phân biệt chủng tộc về mặt cấu trúc, nó chỉ phát lộ sự bất công và điểm yếu của hệ thống chăm sóc y tế, Gamble nói. Dù các bác sĩ và y tá da đen rất trông đợi, nhưng không có nỗ lực lớn nào cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ gốc Phi.

Liệu Covid-19, làm phát lộ những hạn chế tương tự ở các nước trên thế giới, có dẫn đến một kiểu biến đổi xã hội tương tự đại dịch cúm 1918? Bristow khẳng định: “Tất cả những gì xảy ra tiếp theo tùy thuộc vào quyết định của chính chúng ta.” □