Việc cơ thể không có khả năng hấp thụ và sử dụng mangan từ thực phẩm một cách có hiệu quả là nguyên nhân gây vẹo cột sống.

Thiếu mangan dẫn đến các trục trặc về chuyển hóa chất béo và đường, suy giảm sự phát triển của xương và mô sụ, khó đi lại và cong cột sống - Ảnh: Blausen.com

Thiếu mangan dẫn đến các trục trặc về chuyển hóa chất béo và đường, suy giảm sự phát triển của xương và mô sụ, khó đi lại và cong cột sống - Ảnh: Blausen.com

Theo Nature Communications, sau khi phân tích gien của 457 trẻ em bị vẹo cột sống nặng và gien của 987 trẻ khỏe mạnh, các nhà khoa học ở Đại học Washington, Mỹ, đã chỉ ra rằng việc cơ thể không có khả năng hấp thụ và sử dụng mangan từ thực phẩm một cách có hiệu quả là nguyên nhân gây vẹo cột sống. Họ nhận thấy một biến thể của gien SLC39A8 ở 6% trẻ em khỏe mạnh và ở 12% trẻ em bị bệnh.

Các nhà khoa học cũng nghiên cứu gien của 1.095 trẻ em không có vấn đề về cột sống và 841 trẻ bị vẹo cột sống ở các mức độ khác nhau, từ trung bình đến nặng. Hóa ra, đột biến di truyền xảy ra nhiều gấp 2 lần ở trẻ em thuộc nhóm bị vẹo cột sống. Ở những con cá ngựa vằn thí nghiệm có gien SLC39A8 bị trục trặc, đã xuất hiện những bất thường về khung xương (bao gồm cong xương) và các dị thường về vận động.

Điều đáng chú ý là đột biến gien vẫn cho phép cơ thể hấp thụ kẽm và sắt một cách bình thường, nhưng không hề hấp thụ hiệu quả mangan. Ở những đứa trẻ bị đột biến gien, hoàn toàn không có tình trạng thiếu hụt mangan. Chỉ đơn thuần là cơ thể chúng không thể sử dụng mangan một cách hiệu quả.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng mangan vừa là khoáng chất thiết yếu vừa là chất độc. Dùng liều lớn thì gây co giật, xuất hiện các vấn đề về vận động, nảy sinh trạng thái hung hăng, ảo giác. Thêm vào đó, mangan được coi là có liên quan với bệnh Parkinson, tâm thần phân liệt và tăng huyết áp. Ngược lại, thiếu mangan dẫn đến các trục trặc về chuyển hóa chất béo và đường, suy giảm sự phát triển của xương và mô sụn, khó đi lại và cong cột sống.