Drone, loại vũ khí gây nhiều tranh cãi, không phải chỉ mới được triển khai trong thời gian gần đây, mà trên thực tế đã được quân lực Hoa Kỳ cố gắng phát triển từ hơn 100 năm trước. Về động cơ và những nỗ lực không ngừng nghỉ để hiện thực hóa ý tưởng về loại thiết bị đang thống trị chiến tranh hiện đại này.
Trong suốt hai thập kỷ qua, những chiếc drone điều khiển từ xa đã mang đến cho quân lực Hoa Kỳ cùng CIA rất nhiều lợi thế và khả năng triển khai những cuộc tấn công chính xác trên toàn cầu giúp tiêu diệt những phần tử xấu (hay chí ít là do họ gọi như vậy) như khủng bố, để bảo vệ sự bình yên, nền hòa bình và cứu rỗi cái tốt. Đến nay, drone có thể đơn thuần được xem như là hiện thân mới nhất của tham vọng công nghệ mà người Mỹ vốn nuôi dưỡng từ lâu (hơn 100 năm trước) về chiến tranh, cho mục tiêu giành thắng lợi nhanh nhưng ít tổn thất sinh mạng nhất trên chiến trường.
Năm 2000, những chiếc drone hiện đại lần đầu được chính quyền Bush triển khai tại Afganishtan, tuy nhiên đã chỉ có 57 vụ tấn công [bằng drone] được tiến hành trong nhiệm kỳ của ông này, và chúng chỉ gia tăng đột biến kể từ khi Tổng thống Obama lên thay vào năm 2008. Khi ấy (giai đoạn 2008 – 2010), các thiết bị nổ tức thời (Improvised Explosive Devices), được chế tạo từ bất cứ thứ gì có trong tay mà không cần chuẩn bị sẵn đã trở thành lựa chọn vũ khí yêu thích của rất nhiều tổ chức khủng bố, đóng góp tới 60% tỷ lệ thương vong của lục quân Mỹ trên chiến trường. Ngay sau sự kiện 11/9, mặc dù cuộc chiến chống khủng bố đã nhận được rất nhiều chiến dịch ủng hộ mạnh mẽ từ phía công chúng, nhưng con số thiệt hại quá lớn về nhân mạng ở Iraq và Afganishtan đã gây áp lực, buộc ông Obama phải tuyên bố sớm đưa quân về nước (đối với người dân Mỹ, việc hàng ngàn binh sĩ tử trận là không thể chấp nhận được). Và drone chính là một phần của chiến lược thực hiện lời hứa đó.
Sau nhiều cuộc đột kích liên tục bằng drone, trước hết là để tiêu diệt những phần tử bị tình nghi đánh bom liều chết, qua thời gian, chúng dần trở thành một phương thức lý tưởng và dễ dàng hơn, giúp nước Mỹ đương đầu với những mối nguy toàn cầu bởi chủ nghĩa khủng bố, trong khi lại có thể giảm bớt lực lượng trên mặt đất. Do đó, 542 vụ tấn công đã được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ 8 năm của ông Obama – một con số đáng kinh ngạc. Đối với vị tổng thống nổi tiếng là yêu chuộng hòa bình này, dường như những chiếc drone vũ trang chính là liều thuốc chữa bách bệnh, hay đúng hơn là sự khắc phục nhanh về mặt công nghệ trước những rủi ro của chiến tranh. Và đó thực sự cũng không hẳn là câu chuyện mới, khi kể từ sau Đệ nhất Thế chiến (1914 – 1918), người Mỹ đã có truyền thống đầu tư cho sức mạnh không lực, nhất là vào các loại vũ khí chính xác công nghệ cao, nhằm giúp xóa bỏ nỗi sợ trong giao tranh.
Nửa thế kỷ sau cuộc nội chiến đẫm máu (1861 – 1865) giữa Chính phủ Liên bang (do Lincoln làm Tổng thống) và các tiểu bang miền Nam (muốn duy trì chế độ mua bán nô lệ), người Mỹ đã thu được rất nhiều kinh nghiệm quân sự, để tiến tới kiểm soát và can thiệp nội bộ vào khu vực mà họ gọi là sân sau: Mỹ Latin, chẳng hạn Cuba (năm 1906), Nicaragua (năm 1909) hay Haiti (năm 1915), … Theo quan niệm của người Mỹ, “chiến tranh toàn cục” chỉ là sản phẩm dại dột của Cựu Thế giới (châu Âu), không phải Tân Thế giới (châu Mỹ). Như học thuyết Monroe (Monroe Doctrine) ra đời năm 1823 và hệ luận Roosevelt (Roosevelt Corollary, 1904) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thế tách biệt của Mỹ, đồng thời tránh can dự vào các vấn đề thuộc châu Âu. Tuy nhiên, đến năm 1917, nước Mỹ đã lại chẳng thể đứng ngoài Đệ nhất Thế chiến, và thực tiễn giao tranh đã đẩy nhận thức của họ sang một ngã rẽ mới.
Công chúng Mỹ đã rất kinh hoàng khi phải chứng kiến một cuộc chiến tàn bạo, dai dẳng và gây thương vong cho ít nhất 200.000 người dân Mỹ, bên cạnh sự trỗi dậy của một số phương diện mới như các vụ thảm sát và đánh bom không phân biệt dân thường – đó không phải hình thức chiến tranh mà cả người dân lẫn các lãnh đạo quân sự và chính trị quen thuộc với, hay muốn tái diễn. Chính điều này đã góp phần dẫn tới sự chuyển hóa chiến lược ngay trong giai đoạn đầu của thời Hậu chiến. Câu hỏi mang tính bước ngoặt ở đây, như lý giải của chuyên gia phân tích quân sự Alan Vick là “làm sao để tránh lặp lại những cuộc đồ sát và tính thiếu quyết đoán như hồi Đại chiến?”.
Trong bối cảnh đó, các chiến lược gia không lực tin rằng họ đã tìm thấy câu trả lời, bao gồm giải pháp từ những trang viết của Đại tá Edgar S. Gorrell (1891 – 1945), sau trở thành học thuyết Precision Bombing Doctrine (ném bom chính xác), hướng tới tận dụng bộ ba thần thánh – không lực (air power), các trận oanh tạc bằng bom (precision bombardment) và những hệ thống vũ khí công nghệ cao – để sớm giành chiến thắng, nhưng với tổn thất nhân mạng thấp nhất. Ý tưởng của Gorrell ở đây là Mỹ cần nhanh chóng ném bom các khu công nghiệp quốc phòng quan trọng nằm trong thành phố, VD: nhà máy chế tạo súng đạn, quân nhu, … nhằm vô hiệu hóa năng lực quân đội của kẻ thù – như lý giải của nhà sử học Mark Clodfelter (tác giả cuốn The Limits of Air Power: The American Bombing in Vietnam, lý giải sự thất bại của không lực Mỹ trong chiến tranh Việt Nam). Theo cách đó, khi lục quân Mỹ giáp mặt đối phương (đã bị làm cho suy yếu) trên chiến trường, họ sẽ không bị dồn vào thế bí như kinh nghiệm hồi Đại chiến. Lập luận của nữ chuẩn tướng Paula G. Thornhill: “to go over, not through” (lướt qua chứ không phải kinh qua kẻ thù), vì thế đã trở thành phương châm (motto) của các chiến lược gia không lực Mỹ và ngày càng trở nên phổ biến, dẫn tới những khoản đầu tư khổng lồ được ném vào các nghiên cứu vũ khí ném bom chính xác công nghệ cao.
Ra đời vào khoảng năm 1917 – 1918, hệ thống hàng không không người lái (uncrewed aerial system) Kettering Bug là một trong số những vũ khí như vậy. Được gọi là một ngư lôi hàng không (aerial torpedo), Bug là sản phẩm từ trí tưởng tượng của Thiếu tá Henry H. Arnold (1886 – 1950), sau trở thành Tư lệnh Không lực Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến (1939 – 1945), và do Charles Kettering (1876 – 1958), người mà Arnold mô tả là “có thể thực hiện những điều không tưởng” thiết kế, chế tạo. Được bố trí trên giàn phóng, chiếc Bug dài 12 ft có khả năng tự tăng tốc và cất cánh; một con quay hồi chuyển (gyroscope) do hãng Sperry chế tạo sẽ làm nhiệm vụ giữ lộ trình bay không đổi, trong khi một khí áp kế hộp (aneroid barometer) thì thiết lập độ cao, còn cánh helit (propeller blade) phải quay đủ số vòng cần thiết để đảm bảo vũ khí luôn di chuyển bên trên mục tiêu; sau cùng cánh sẽ gập lại khiến Bug lao xuống đất – Arnold mô tả, quả bom tiếp cận đối tượng khá chính xác, với sai lệch trong phạm vi 100 yards (91 m) sau khi đã bay cả chặng đường khoảng 40 dặm (64 km). Nhà sử học Dik Daso (tác giả cuốn Hap Arnold and the Evolution of American Airpower) cũng ví von Bug giống như “ chim ưng bổ nhào xuống vồ con mồi.”
Tuy nhiên, do tầm bay tương đối ngắn cùng nhiều hạn chế khác khác liên quan đến chiến lược, bên cạnh tính chính xác như khẳng định của Arnold là rất khó đạt được, Bug hầu như đã không bao giờ được sử dụng trên chiến trường. Và thực tế là cho đến tận bây giờ, những nỗ lực nhằm cải tiến công nghệ để khắc phục rủi ro từ sự giao tranh trực tiếp vẫn đang tiếp diễn. Drone, vì thế chỉ đơn giản là một sản phẩm mới nhất trong cuộc truy cầu hình thái chiến tranh hoàn hảo (perfect warfare).