Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà sản xuất của cả hai phe Đông - Tây vẫn tìm thấy rất nhiều lý do để hợp tác, kể cả trong một công nghệ được coi là nhạy cảm như giữa Liên Xô và Phần Lan trong chế tạo tàu phá băng hạt nhân.

Kỹ sư ở xưởng đóng tàu Wärtsilä Helsinki ở Phần Lan chuyên đóng các tàu phá băng và tàu chở khách có khả năng tiến vào những cảng bị đóng băng. Ảnh của Volker von Bonin, 1996, được Helsinky City Musemum cho phép, giấy phép CC BY 4.0.

Mùa xuân năm 1988, công ty đóng tàu Wärtsilä có trụ sở ở Helsinki, Phần Lan đã hoàn thành một đơn hàng đặc biệt - tàu phá băng Taymyr, con tàu mới nhất của hạm đội tàu phá băng Liên Xô tại thời điểm đó. Đây là một sự kiện hiếm hoi bởi trong Chiến tranh Lạnh, chỉ duy nhất hai quốc gia có dự án đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân - những người khổng lồ của đại dương với khả năng khai thông tuyến vận tải biển xuyên Bắc Băng Dương (xem thêm hình minh họa 1). Đó là Liên Xô - đất nước có đường bờ biển rất dài dọc theo Bắc Băng Dương với kinh nghiệm vượt trội trong sản xuất động cơ hạt nhân, và Phần Lan - một quốc gia nhỏ bé không hề có năng lực đóng tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, không tiếp giáp trực tiếp Bắc Băng Dương, và cũng không có nhu cầu nội địa đối với loại phương tiện đặc biệt như tàu phá băng có khả năng vận hành ở vùng Cực.

Tàu biển chạy bằng năng lượng hạt nhân có ý nghĩa chính trị quan trọng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bởi đây là biểu trưng cho sự vượt trội về mặt ý thức hệ, cũng như cho vị thế của quốc gia sở hữu trên trường quốc tế. Hình ảnh của những con tàu hạt nhân thường gắn liền với sức mạnh của nhà nước, năng lực của đội ngũ kỹ sư là sản phẩm của nền giáo dục của một quốc gia, và khả năng của quốc gia đó trong những lĩnh vực liên quan. Bởi vậy, việc Liên Xô - một siêu cường hạt nhân lại lựa chọn việc nhập khẩu những con tàu mang tính biểu tượng ấy từ quốc gia láng giềng nhỏ bé thay vì tự đóng chúng quả thực là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.

Dự án hợp tác Liên Xô - Phần Lan trong việc đóng tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân là sản phẩm của mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia láng giềng này, cũng như khuôn khổ chuyển giao công nghệ Đông - Tây vốn luôn bị chính trị hóa trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhưng khác với những sự kiện chuyển giao công nghệ chiến lược được biết tới nhiều hơn giữa hai phe Đông - Tây trong thời Chiến tranh Lạnh, dự án tàu hạt nhân Liên Xô - Phần Lan lại là câu chuyện về hợp tác đa quốc gia thay vì cạnh tranh quốc tế, trong đó một trong những nhân vật chính lại là một công ty tư nhân thay vì các tập đoàn được nhà nước chống lưng. Đó là bài học về cách một quốc gia nhỏ có thể dựa vào năng lực công nghệ để duy trì chỗ đứng trong quan hệ với một láng giềng mạnh chứ không phải câu chuyện về một cường quốc sử dụng công nghệ để làm công cụ quyền lực trong bang giao quốc tế.

Những con tàu mang giá trị trọng yếu với quốc gia

Xét trên nhiều khía cạnh, Liên Xô và Phần Lan là hai quốc gia hoàn toàn đối nghịch. Liên Xô là một đất nước rộng lớn, đông dân, một siêu cường hạt nhân, và là lãnh tụ của phe Xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, Phần Lan lại là một quốc gia tư bản với dân cư thưa thớt và từng bị người láng giềng khổng lồ đánh bại tới hai lần liên tiếp trong Chiến tranh mùa đông 1939-1940 và trong mặt trận Phần Lan 1941-1944 của Thế chiến thứ hai. Nhưng khác với một số quốc gia nhỏ ở khu vực Đông Âu, dù thất trận nhưng Phần Lan vẫn không có sự đồn trú của quân đội Liên Xô. Tuy vậy, tình thế khó khăn khi phải duy trì quan điểm trung lập ở ngay giữa chiến tuyến giữa hai phe Đông - Tây đã luôn là một vấn đề hết sức nhạy cảm với quốc gia Bắc Âu này trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.


Tuyến đường biển xuyên Bắc Băng Dương chạy dọc bờ biển cực Bắc của Nga là tuyến đường có thể kết nối châu Âu với châu Á nhưng chỉ tàu phá băng mới có thể di chuyển trên tuyến đường này. (Ảnh của iStock.com/Rainer Lesniewski.).

Một trong những điểm chung hiếm hoi giữa hai quốc gia rất khác nhau này đó là sự quan tâm đến công nghệ tàu phá băng. Việc giao thương hàng hóa ở Phần Lan phụ thuộc rất nhiều vào hạm đội tàu phá băng của nước này trong những tháng mùa đông bởi tất cả các cảng biển của Phần Lan đều rơi vào tình trạng đóng băng trong giai đoạn này. Với một quốc gia dựa nhiều vào xuất khẩu như Phần Lan thì việc duy trì sự thông suốt trong giao thương đường biển mang ý nghĩa sống còn với sự phồn vinh của quốc gia, đồng thời việc kiểm soát đường bờ biển cũng là hết sức quan trọng để đảm bảo chủ quyền của đất nước. Về phía mình, Liên Xô luôn coi hạm đội tàu phá băng là trọng tâm của chiến lược khám phá và khai thác các lãnh thổ vùng Cực của nước này.

Các con tàu phá băng hạng nặng có vai trò trọng yếu trong việc duy trì giao thông đường biển khu vực Siberi. Tầm quan trọng của Bắc Băng Dương đã được chú ý tới ngay từ giai đoạn khởi phát của Chiến tranh Lạnh và càng ngày càng được đề cao trong những năm chia cắt Đông - Tây bởi đây là tuyến đường biển ngắn nhất nối liền Liên Xô và Hoa Kỳ. Ở cả Liên Xô và Phần Lan, sự quan tâm của công chúng dành cho các con tàu khổng lồ do nhà nước sở hữu này không chỉ dừng lại ở giá trị hàng hải của chúng, bởi với người dân hai nước thì những con tàu có cái tên ai cũng có thể nhận ra này còn là biểu tượng cho sức mạnh và năng lực. Tàu phá băng là một tượng đài về mặt công nghệ đã góp phần vào việc tạo dựng thương hiệu của Phần Lan như một quốc gia công nghiệp phương Bắc. Còn với Liên Xô, những con tàu này lại là nhân vật chính cho câu truyện về cuộc chinh phục Bắc Băng Dương mang màu sắc xã hội chủ nghĩa của đất nước này.

Sau Thế chiến thứ hai, các nhà lãnh đạo của Liên Xô đã đặt trọng tâm vào việc kiểm soát đường biên giới chiến lược dài tới 1340 km với Phần Lan. Để thực hiện việc này, Liên Xô cần Phần Lan có được một chính phủ dù có thể không theo phe Cộng sản nhưng vẫn phải tin cậy được, và sẵn sàng đồng thuận và thực hiện những đề nghị của người láng giềng. Về phía Phần Lan, ưu tiên của chính phủ nước này sau chiến tranh đó là tránh xa việc bị cuốn vào xung đột giữa các siêu cường, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế với cả hai phe Đông - Tây. Hiểu được những quan tâm chiến lược của lãnh đạo quốc gia láng giềng, Chính phủ Phần Lan đã đưa ra nguyên tắc ngoại giao trung lập vốn được nước này duy trì xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Phần Lan đã phải cân bằng các nguyên tắc dân chủ và tư bản chủ nghĩa của đất nước này với những chính sách mang tính thực dụng trong việc tạo dựng quan hệ ổn định với Liên Xô. Các thỏa thuận về kinh tế được đàm phán và ký kết sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc đã dần được Phần Lan phát triển lên mức quan hệ chính trị phản ánh cách tiếp cận ngoại giao của nước này trong việc cân bằng giữa áp lực trong nước, và sức ép quốc tế.

NS Savannah, tàu chở khách và hàng hóa chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Hoa Kỳ.

Với Liên Xô, việc giao thương với quốc gia trung lập Phần Lan đã đem lại lợi ích cho nền kinh tế trong nước, đồng thời tạo ra tiềm năng mở rộng cho các ngành sản xuất nội địa. Còn với Phần Lan, quan hệ kinh tế với người láng giềng xã hội chủ nghĩa đã góp phần vào sự ổn định trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, và cũng đóng góp tới 1/5 tổng lượng xuất nhập khẩu của nước này. Nhu cầu tưởng như vô tận của Liên Xô với các mặt hàng tinh chế từ dầu mỏ và máy móc đã đem lại nguồn thu nhập đều đặn cho tầng lớp lao động vốn ngày một đông đảo ở các thành phố của Phần Lan. Quan hệ giữa hai nước đã chứng minh cho các nhà lãnh đạo Liên Xô thấy rằng một Phần Lan tư bản chủ nghĩa nhưng thân thiện còn có ý nghĩa hơn nhiều một quốc gia vệ tinh nơi Liên Xô có thể cho quân đội đóng quân nhưng vẫn không thể duy trì quan hệ ổn định. Mặc dù phần lớn khối lượng giao dịch ngoại thương của Phần Lan vẫn nhắm tới các thị trường phương Tây, các thỏa thuận giữa nước này và Liên Xô đã dần biến thành một biểu tượng cho khả năng chung sống trong hòa bình giữa phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

Tàu phá băng là một tượng đài về mặt công nghệ đã góp phần vào việc tạo dựng thương hiệu của Phần Lan như một quốc gia công nghiệp phương Bắc. Còn với Liên Xô, những con tàu này lại là nhân vật chính cho câu truyện về cuộc chinh phục Bắc Băng Dương mang màu sắc xã hội chủ nghĩa của đất nước này.

Sau Thế chiến thứ hai, một trong những nhu cầu bức thiết của Liên Xô là phải tái lập và mở rộng đội tàu biển. Bước ra từ cuộc chiến này trong tư cách một quốc gia bại trận, Phần Lan buộc phải trả khoản bồi thường chiến tranh với giá trị khoảng 300 triệu USD, trong đó tàu biển chiếm một phần không nhỏ. Phần lớn trong số này là các tàu buôn và sà lan thông thường, nhưng số lượng lớn các con tàu như vậy đã buộc Phần Lan phải mở thêm các xưởng đóng tàu mới và hiện đại hóa năng lực đóng tàu vốn có của quốc gia này. Khi quá trình bồi thường kết thúc vào năm 1952, thị trường Liên Xô vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đóng tàu Phần Lan bởi rất nhiều trong số các xưởng đóng tàu mới mở này không thể cạnh tranh về mặt giá thành với các đối thủ ở các quốc gia phương Tây khác. Về phía mình, Liên Xô đánh giá việc nhập khẩu tàu từ Phần Lan vừa là nhân tố quan trọng để xây dựng lại đội tàu thương mại vốn bị chiến tranh tàn phá nặng nề, vừa giúp vượt qua những rào cản xuất nhập khẩu vốn hạn chế khả năng của Liên Xô trong việc mua tàu từ các quốc gia phương Tây có khả năng đóng tàu vượt trội hơn Phần Lan.

Sáng kiến để Phần Lan xuất khẩu tàu phá băng sang Liên Xô đến từ một công ty tư nhân có tên Wärtsilä trong những năm đầu thập niên 1950. Đây là chủ sở hữu của một trong những xưởng đóng tàu lớn nhất Phần Lan tại Helsinki, và cũng đã có một số kinh nghiệm nhất định trong việc đóng cho chính phủ Phần Lan một số tàu phá băng. Khát vọng của Wärtsilä là đóng được những con tàu có khả năng đi lại tại các vùng biển đóng băng vốn đòi hỏi những công nghệ đặc dụng nhưng cũng đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc đóng tàu buôn thông thường.

Lý do cho chiến lược kinh doanh hướng Đông của công ty này cũng rất rõ ràng bởi nhu cầu tàu phá băng ở khu vực biển Baltic là rất hạn chế, trong khi vùng biển Bắc Bắc Dương do Liên Xô quản lý lại là thị trường với tiềm năng vô hạn. Đầu những năm 1950 Wärtsilä nhận được hợp đồng đầu tiên từ Liên Xô trong việc đóng ba tàu phá băng lớp Kapitan với năng lực xuyên thủng mặt biển đóng băng của biển Baltic trong mùa Đông. Từ năm 1959 đến 1969,. Phần Lan đã đóng một loạt năm tàu phá băng Bắc Cực lớp Moskva vốn được thiết kế để phá vỡ được lớp băng nhiều năm trên các vùng biển Bắc.

Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, tàu phá băng là những phương tiện mang ý nghĩa chiến lược, được sử dụng cho mục đích quân sự. Bởi vậy, ban đầu Ủy ban điều phối xuất khẩu đa phương (CoCom) của phe tư bản chủ nghĩa đã ngăn cản việc Liên Xô nhập khẩu loại tàu này từ phần lớn các quốc gia phương Tây. Nhưng với Chính phủ Phần Lan, thì các tàu phá băng lại hoàn toàn là các phương tiện dân sự với vai trò cung cấp dịch vụ hàng hải, bởi vậy việc xuất khẩu loại tàu này hoàn toàn không mâu thuẫn với chính sách trung lập về quân sự của nước này. Còn Liên Xô cũng xác định rằng việc thuê các nhà đóng tàu Phần Lan gánh bớt một phần nhu cầu đóng tàu phá băng trong nước chính là giúp nền công nghiệp đóng tàu Liên Xô có thể dành những xưởng đóng tàu có năng lực cao cho việc phát triển các con tàu quân sự.

Tiềm năng từ nguyên tử

Sau Thế chiến thứ hai, cả thế giới đã nhận ra rằng công nghệ hạt nhân hứa hẹn có thể đem lại cả cuộc sống và sự chết chóc: nỗi sợ hãi về một sự hủy diệt toàn diện đến từ vũ khí hạt nhân, và hy vọng của một nguồn năng lượng vô tận có thể giúp nâng cao chất lượng sống. Ngay sau khi tro tàn vừa lắng xuống trên đống đổ nát của hai thành phố bị đánh bom nguyên tử là Hiroshima và Nagasaki, các nhà khoa học và chính trị gia đã ngay lập tức tìm cách ứng dụng sức mạnh hạt nhân cho cả mục đích quân sự và dân sự.

Sự quan tâm ngày một lan rộng tới công nghệ hạt nhân đã tạo ra rất nhiều những ý tưởng và mơ mộng khác nhau, từ tàu hỏa hay máy bay sử dụng động cơ hạt nhân, cho tới máy tạo nhịp tim hay lò phản ứng mini dành cho gia đình với kích cỡ chỉ như một chiếc máy chữ. Lãnh đạo của các quốc gia cũng nhận ra rằng ứng dụng hòa bình của năng lượng hạt nhân cũng có thể biến thành công cụ tuyên truyền để họ có thể đạt được các mục đích về văn hóa, chính trị, kinh tế, hay công nghệ.

Từ khía cạnh công nghệ, các nhà thiết kế tàu thủy vốn thường phải vật lộn với việc làm thế nào để giải quyết bài toán trọng lượng của một con tàu bỗng nhận ra rằng thời gian hoạt động dài và khối lượng nhỏ của nhiên liệu hạt nhân là những ưu thế hết sức hấp dẫn của loại năng lượng mới này. Chỉ một mẩu nhỏ uranium-235 cũng đã là đủ để tạo ra nguồn năng lượng tương đương hàng tấn dầu diesel. Một con tàu được lắp đặt lò phản ứng hạt nhân hứa hẹn có thể giúp vượt qua những quãng đường xa hơn với giá thành thấp hơn và tốc độ cao hơn các phương tiện sử dụng năng lượng phi hạt nhân.

Tàu ngầm quân sự Nautilus của Hoa Kỳ là phương tiện đầu tiên hiện thực hóa được tiềm năng đó của năng lượng hạt nhân. Trong các chuyến chạy thử dưới biển đầu tiên năm 1955, Nautilus đã đi được quãng đường gấp 10 lần quãng đường bất cứ con tàu ngầm nào trước đó từng đi được, và với vận tốc cao chưa từng có tại thời điểm đó. Cũng trong năm này, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower đã đề xuất việc đóng tàu thương mại chạy bằng năng lượng hạt nhân thành một phần của chương trình Nguyên tử phụng sự hòa bình (Atoms for Peace). Bốn năm sau đó, đệ nhất phu nhân Mamie Eisenhower đã chủ trì lễ đặt tên cho NS Savannah - con tàu với khả năng chở khách và hàng hóa chạy bằng động cơ hạt nhân với hai mục đích là kiểm nghiệm khả năng ứng dụng động cơ hạt nhân trên tàu dân sự, và quảng bá cho năng lực công nghệ của Hoa Kỳ. Liên Xô cho ra đời con tàu chạy bằng công nghệ hạt nhân đầu tiên cho mục đích phi quân sự vào năm 1957. Tàu phá băng mang tên Lenin được lắp đặt ba lò phản ứng nước áp lực với khả năng cấp hơi cho các tuốc-bin động cơ điện để tạo năng lượng cho chân vịt của tàu. Lenin được coi là một thành tựu đáng kể trong cuộc chạy đua công nghệ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và trở thành một biểu tượng đầy giá trị của sự tiến bộ của chủ nghĩa xã hội, như được minh hoạ trong hình 2.

Ngoài mục đích phục vụ các nhu cầu dân sự, cả Savannah và Lenin đều được đóng và vận hành để chứng tỏ cho công chúng thấy năng lực công nghệ của quốc gia, và tiềm năng ứng dụng của năng lượng hạt nhân. Ở quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần tham vọng, các quốc gia mạnh về hàng hải, trong đó có những người láng giềng vùng Scandinavi của Phần Lan là Thụy Điển, Na Uy, và Đan Mạch cũng bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của công nghệ tàu hàng sử dụng động cơ hạt nhân dù cuối cùng họ không đóng bất cứ tàu nào sử dụng công nghệ này.

Trong khi các quốc gia Scandinavi láng giềng bước chân vào kỷ nguyên nguyên tử với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, thì Phần Lan vẫn đang phải vật lộn với quá trình tái thiết hậu chiến tranh, và cố gắng tìm cho mình một vị trí phù hợp trong trật tự thế giới mới. Trong những năm đầu Chiến tranh Lạnh, Phần Lan không thể nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân vì lo ngại sự đổ vỡ của vị thế trung lập vốn mong manh và nhạy cảm của nước này giữa chiến tuyến của hai phe Đông - Tây. Mặc dù không tham gia cuộc chạy đua về công nghệ hạt nhân, Phần Lan vẫn mong muốn trở thành quốc gia hiện đại và vượt trội về mặt công nghệ. Các kỹ sư Phần Lan đã theo dõi và học hỏi từ các tạp chí công nghệ quốc tế, để từ đó có được rất nhiều báo cáo về các ứng dụng mới mẻ của năng lượng nguyên tử, cũng như về các dự án nghiên cứu mới. Họ cùng đọc các tài liệu nghiên cứu giống như đồng nghiệp nước ngoài, và trở nên hết sức quan tâm tới tiềm năng của năng lượng hạt nhân.□ (Còn tiếp)


Đây là một bản rút gọn từ bài nghiên cứu “Flashy flagships of Cold War cooperation: The Finnish– Soviet nuclear icebreaker project” (Biểu trưng hào nhoáng cho hợp tác thời Chiến tranh Lạnh: Dự án tàu phá băng hạt nhân Phần Lan - Liên Xô), Technology and Culture60, 347 (2019).