Khi gà trống ở cùng một con gà khác, nó gáy báo động thường xuyên hơn khi ở một mình, dù nó có nhìn thấy bóng mình trong gương hay không.
Trong bài kiểm tra truyền thống về khả năng nhận thức bản thân trong gương ra đời vào năm 1970, các nhà nghiên cứu đánh dấu lên cơ thể con vật ở một chỗ mà chỉ khi soi gương thì nó mới nhìn ra. Nếu con vật kiểm tra hay chạm vào cái dấu đó khi xem xét hình phản chiếu của mình, thì điều đó gợi ý rằng con vật hiểu cái bóng trong gương phản chiếu chính cơ thể của nó.
Ít có loài vật nào vượt qua được bài kiểm tra này, trừ một số loài vượn lớn, cá heo, voi và chim ác là. Những năm gần đây, một số ít các nhà nghiên cứu tuyên bố có thêm các loài vượt qua bài kiểm tra, nhưng vẫn gây tranh cãi: chim cánh cụt, ngựa, cá dọn bể và cá đuối.
Kết quả từ bài kiểm tra thường rất khác nhau. Sonja Hillemacher, nhà nghiên cứu tại Đại học Bonn, Đức, cùng đồng nghiệp đặt câu hỏi liệu có phải điều này không liên quan mấy đến khả năng nhận ra bản thân, mà liên quan nhiều hơn đến thực tế là nhiều loài động vật có ít động lực tự nhiên để tìm hiểu các vết đánh dấu.
Nhóm đã kiểm chứng suy nghĩ của mình với gà trống, con vật lớn tiếng cảnh báo cho đồng loại khi kẻ săn mồi tới gần nhưng thường im lặng lúc ở một mình. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã lần lượt làm thử nghiệm với 68 con gà trống, trong một khu vực dùng lưới thép để ngăn đôi.
Họ đặt một con gà ở một bên, bên còn lại để trống hoặc đặt một con gà trống khác vào. Tiếp theo, họ đặt một tấm gương lên tấm lưới ngăn cách trong một số bài kiểm tra. Để mô phỏng mối đe dọa, họ chiếu bóng chim ưng lên trần nhà.
Kết quả, họ phát hiện khi gà trống ở cùng một con gà khác, nó gáy báo động thường xuyên hơn khi ở một mình, dù nó có nhìn thấy bóng mình trong gương hay không. Đặt con gà trống vào phía đối diện nhưng che không cho nó thấy quang cảnh phía sau tấm gương cũng dẫn tới hiện tượng tương tự, cho thấy gà trống phân biệt được hình ảnh phản chiếu và thực tế thông qua thị giác, chứ không phải qua mùi hay âm thanh.
Do những con gà trống hành xử tương đồng khi ở một mình và khi có hình phản chiếu, các nhà khoa học nói rằng có thể chúngnhận ra cái bóng trong gương chính là mình. Điều này chỉ ra khả năng tự nhận thức bản thân có thể phổ biến hơn trong thế giới động vật so với suy nghĩ trước đây, theo Hillemacher.
Nathan Emery, Nhà khoa học tại Đại học Nữ hoàng Mary, London, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng bài kiểm tra truyền thống không phù hợp để kiểm tra khả năng tự nhận thức ở các loài không phải vượn, vì hầu hết các con vật khác không có tay để dễ dàng tìm hiểu cơ thể mình. Đáng chú ý là khi nhóm nghiên cứu cho gà trống làm bài kiểm tra dấu vết thì chúng lại không cho thấy khả năng tự nhận thức bản thân.
Cả Emery và Hillemacher đều cho rằng còn quá sớm để nói chắc chắn gà nhận ra bản thân trong hình phản chiếu. Có khả năng hành vi lạ lùng của cái bóng – chẳng hạn như bắt chước mọi chuyển động của chủ thể – đã đủ bất ổn để xáo trộn phản ứng cảnh báo tự nhiên.
Nguồn: