Các nhà khoa học khắp thế giới đã theo dõi sự di chuyển và hành vi của động vật có vú vào mùa xuân 2020, khi có ít người và xe cộ đi lại bên ngoài hơn.


Trong các đợt phong tỏa dịch Covid-19 vào mùa xuân năm 2020 đã xuất hiện nhiều câu chuyện cả thực lẫn hư về việc động vật hoang dã giành lại các không gian mà con người và xe cộ từng chiếm giữ. Từ chuyện báo sư tử lang thang trên đường phố Santiago, Chile; dê núi tới sống tại một thị trấn nhỏ ở xứ Wales; chó rừng chơi trong công viên ở Tel Aviv, Israel; đến chuyện sư tử biển thoải mái hoạt động tại một thị trấn cảng ở Argentina.

Dê núi đi lang thang trên đường phố Lluandudno, xứ Wales vào tháng 3/2020 trong các đợt phong tỏa Covid-19. Ảnh: Christopher Furlong
Dê núi đi lang thang trên đường phố Lluandudno, xứ Wales vào tháng 3/2020 trong các đợt phong tỏa Covid-19. Ảnh: Christopher Furlong

Nhưng có đúng là động vật đã tìm đến những chỗ mới, hay là do không có gì khác để làm trong mùa dịch nên con người để ý đến chúng nhiều hơn? Và những thay đổi này chỉ tạm thời hay có ý nghĩa quan trọng hơn?

Giờ đây, các nhà khoa học cho rằng họ đã có câu trả lời. Thay vì chỉ tập trung vào một loài cụ thể tại địa điểm nhất định, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu mới để đưa ra bức tranh bao quát về các sinh vật muôn hình vạn trạng ở nhiều vùng hoạt động ra sao trong các đợt phong tỏa. Kết quả cho thấy: nhìn chung, động vật di chuyển xa hơn và có vẻ thoải mái hơn khi không có mặt con người và xe cộ.

Đây là nghiên cứu hợp tác giữa 175 nhà khoa học trên khắp thế giới. Trước dịch, họ đã dành nhiều năm nghiên cứu riêng biệt các loài động vật bằng cách gắn thiết bị định vị lên chúng. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra và các chính phủ bắt đầu tiến hành phong tỏa, họ nhận thấy đây là cơ hội hiếm có để tập hợp số liệu lại với nhau. Về cơ bản, phong tỏa dịch trở thành một cuộc thí nghiệm lớn, bất ngờ và tự nhiên về sự hiện diện của con người ảnh hưởng đến động vật như thế nào.

Một con sư tử biển đang lang thang quanh Mar del Plata, Argentina vào tháng 4/2020. Ảnh: Mara Sosti
Một con sư tử biển đang lang thang quanh Mar del Plata, Argentina vào tháng 4/2020. Ảnh: Mara Sosti

Họ đã phân tích số liệu từ 2.300 cá thể động vật có vú khắp thế giới, từ tuần lộc ở Na Uy cho đến voi châu Á ở Myanmar. Khi so sánh việc di chuyển của các con vật này vào mùa xuân năm 2020 và mùa xuân năm 2019, họ nhận thấy một số xu hướng rõ rệt. Trước nhất, vào các đợt phong tỏa, trong khung thời gian 10 ngày, các con vật di chuyển nhiều hơn 73% so với năm trước đó.

Điều này chứng tỏ chúng cảm thấy có thể tự do di chuyển hơn mà không phải lo xem con người ở đâu. Vì với nhiều loài vật, con người được coi là một mối nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong khung thời gian một tiếng đồng hồ, động vật di chuyển ít hơn so với năm 2019. Theo các nhà nghiên cứu, lý do là không có nhiều người và xe cộ dọa chúng sợ bỏ chạy. Thật vậy, khi không có nhiều xe cộ ồn ào và nguy hiểm, các con vật lại gần đường xá hơn 36%.

Và rồi, các thay đổi chóng vánh vào mùa dịch biến mất ngay khi con người và xe cộ xuất hiện trở lại. Theo các nhà khoa học, điều đáng chú ý nhất là các phản ứng này xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nó chứng tỏ một số loài rất nhạy cảm với hoạt động của con người.

Phát hiện này không gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học, hay cho bất kỳ ai từng thấy một con sóc lao qua đường để tránh xe cộ, hay một con rắn trườn đi khi máy cắt cỏ đến gần. Nhưng kết quả này giúp củng cố tầm quan trọng của những điều mà con người đang triển khai và cần thực hiện thêm để giảm thiểu tác động lên động vật.

Chó rừng chơi trong công viên Yarkon tại Tel Aviv, Israel vào tháng 4/2020. Ảnh: Jack Guez
Chó rừng chơi trong công viên Yarkon tại Tel Aviv, Israel vào tháng 4/2020. Ảnh: Jack Guez

Ví dụ, việc đóng cửa các bãi biển và đường mòn theo mùa có thể tạo không gian cần thiết cho các loài động vật hoang dã vào thời điểm chúng nhạy cảm nhất, như mùa sinh sản và làm tổ. Cầu vượt và đường ngầm cho thú hoang trên đường cao tốc, hay hàng rào dọc những con đường đông đúc cũng sẽ giúp cho cả động vật lẫn con người an toàn hơn.

Các nhà làm chính sách cũng bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của những giải pháp như vậy. Ở Mỹ, một dự luật liên bang mới về cơ sở hạ tầng đã được Tổng thống Joe Biden ký vào mùa hè năm ngoái, bao gồm 350 triệu USD để xây dựng hàng rào, đường ngầm và cầu vượt cho động vật. Như vậy, rõ ràng đây là một vấn đề chúng ta biết cách giải quyết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.