Các cuộc khảo sát cho thấy trong nhiều thập kỷ qua, dân chúng trên khắp thế giới tin rằng đạo đức đang suy thoái.
Adam Mastroianni luôn cảm thấy không yên lòng bởi định kiến rằng con người đang trở nên ít tử tế, không tôn trọng lẫn nhau và không còn đáng tin cậy như ngày xưa. Dựa trên các kết quả khảo sát kéo dài hàng thập kỷ, ông và các đồng nghiện đã xác định định kiến này là có thật, ít nhất trong suốt 70 năm qua. Dân chúng trên khắp thế giới đều cho rằng họ nhận thấy sự suy giảm đạo đức nói chung theo thời gian.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cách nhau hàng chục năm cũng lại cho thấy, đánh giá của các cá nhân về đạo đức của bản thân họ và những người cùng thời hầu như không thay đổi. Từ mâu thuẫn này, Mastroianni, nhà tâm lý học tại Đại học Columbia (Mỹ), và đồng tác giả Daniel Gilbert, nhà tâm lý học tại Đại học Harvard, kết luận rằng nhận thức về sự suy giảm đạo đức chỉ là một lầm tưởng. Các phát hiện của họ được công bố trên tạp chí Naturengày 7/6.
Nghiên cứu mới cho thấy cảm nhận về sự suy đồi đạo đức xã hội chỉ là ảo tưởng.
Mastroianni và Gilbert đã phân tích các cuộc khảo sát về giá trị đạo đức được thực hiện từ năm 1949-2019 ở Mỹ. Trong các khảo sát này, hầu hết những người tham gia đều cho rằng đạo đức trong xã hội nhìn chung đã suy giảm. Kết quả tương tự xuất hiện trong các cuộc khảo sát được thực hiện ở 59 quốc gia khác.
Các tác giả còn thực hiện một loạt khảo sát của riêng họ vào năm 2020. Những người tham gia ở Mỹ nói rằng con người "ít tử tế, trung thực hơn" so với quá khứ, cụ thể là so với thời điểm họ sinh ra. Những người thuộc các hệ tư tưởng chính trị, chủng tộc, giới tính, lứa tuổi và trình độ học vấn khác nhau đều chia sẻ nhận thức về sự suy thoái đạo đức như vậy.
Hai nhà nghiên cứu cũng xem xét các cuộc khảo sát từ năm 1949-2019 lấy ý kiến người tham gia về tình trạng đạo đức của chính họ và của những người cùng thời tại thời điểm được hỏi. Các tác giả chỉ phân tích các cuộc khảo sát đã được thực hiện thành ít nhất 2 đợt, cách nhau tối thiểu 10 năm, để có thể so sánh các câu trả lời của các nhóm theo thời gian.
Nếu đạo đức thực sự suy thoái theo thời gian, người tham gia sẽ đánh giá những người cùng thời một cách tiêu cực hơn trong các khảo sát về sau so với những khảo sát trước đó. Nhưng thực tế, đánh giá của họ về đạo đức của những người cùng thời vẫn giữ nguyên theo thời gian.
Mastroianni cho rằng mâu thuẫn này cho thấy định kiến về sự suy giảm đạo đức là một lầm tưởng hoặc “có rất ít bằng chứng”.
Melissa Wheeler, nhà nghiên cứu đạo đức tại Đại học Công nghệ Swinburne (Úc), cho rằng các dữ liệu được nhóm Mastroianni thu thập là chặt chẽ, bao gồm “hàng triệu điểm dữ liệu trong nhiều thập kỷ”.
Nhóm Mastroianni suy đoán con người có cảm nhận bi quan như vậy do hiệu ứng sai lệch trí nhớ, những ký ức tiêu cực có xu hướng phai nhạt nhanh hơn những ký ức tích cực, khiến cho quá khứ có vẻ tươi đẹp hơn.
Mastroianni nói rằng lầm tưởng về sự suy thoái đạo đức có thể gây ra những hậu quả quan trọng về mặt xã hội và thậm chí cả chính trị. Ví dụ, một cuộc khảo sát năm 2015 được phân tích trong nghiên cứu cho thấy 76% người dân ở Mỹ đồng ý rằng “giải quyết tình trạng suy thoái đạo đức của đất nước nên là ưu tiên hàng đầu của chính phủ”. Những quan điểm như vậy có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn bỏ phiếu.
“Thách thức là làm sao để khiến mọi người chấp nhận rằng họ lầm tưởng, trong bối cảnh định kiến này rất nổi bật và phổ biến", Wheeler chỉ ra.
Nguồn: