Sau khi nhà văn Nhật Bản Rie Kudan chiến thắng một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất của quốc gia này, cô đã thừa nhận mình sử dụng sự trợ giúp từ ChatGPT.
“Tôi dự định sẽ tiếp tục tận dụng lợi ích từ việc sử dụng AI trong quá trình sáng tác tiểu thuyết, đồng thời phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình,” nữ nhà văn 33 tuổi cho biết. Cô vừa nhận Giải Akutagawa cho tác phẩm hư cấu hay nhất của tác giả mới đầy triển vọng và cuốn sách này được các thành viên hội đồng ca ngợi là “gần như hoàn hảo”.
Sau đó, cô Kudan xác nhận trong một cuộc họp báo rằng khoảng 5% cuốn sách “The Tokyo Tower of Sympathy” (tạm dịch: Tháp thông cảm Tokyo) hoàn toàn do AI tạo ra.
Nội dung cuốn sách kể về thế lưỡng nan của một kiến trúc sư khi nhận nhiệm vụ xây dựng một nhà tù cao tầng thoải mái ở Tokyo cho những kẻ phạm luật cải tạo, với chủ đề là AI.
Nữ nhà văn trẻ cho biết trong cuộc sống riêng, cô thường hỏi ý kiến ChatGPT về những vấn đề không biết tâm sự với ai. Cô nói: “Khi AI không nói những điều mà tôi mong chờ, đôi lúc tôi sẽ dùng cảm xúc của mình trong những đoạn viết về nhân vật chính”.
Cô Kudan không phải nghệ sĩ đầu tiên gây tranh cãi do sử dụng trí tuệ nhân tạo, trong thời điểm nhiều nhà sáng tạo cảm thấy kế sinh nhai của mình bị công nghệ đe dọa.
Năm ngoái, nhiếp ảnh gia Boris Eldagsen từ Berlin đã rút khỏi Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới của Sony sau khi tiết lộ anh sử dụng công nghệ để tạo ra tác phẩm đoạt giải trong hạng mục ảnh sáng tạo.
Trong khi đó, các nhà văn như George R. R. Martin, Jodi Picoult và John Grisham đã cùng tham gia một vụ kiện tập thể chống lại OpenAI, công ty đứng đằng sau ChatGPT vào năm ngoái, tuyên bố rằng công ty này đã sử dụng tác phẩm có bản quyền để đào tạo hệ thống của mình nhằm tạo ra những phản hồi nhân tính hơn.
Và hơn 10.000 nhà văn, bao gồm Patterson, Roxane Gay và Margaret Atwood, đã ký tên vào thư ngỏ kêu gọi các nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp AI phải nhận được sự đồng ý từ các tác giả khi sử dụng tác phẩm của họ để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn - và phải bồi thường thích đáng khi làm như vậy.
Nhà văn kiêm thành viên hội đồng Keiichiro Hirano đã đăng trên X, mạng xã hội trước kia là Twitter, cho biết hội đồng tuyển chọn không coi việc cô Kudan sử dụng AI là một vấn đề.
“Dường như câu chuyện về việc tác phẩm đoạt giải của cô Rie Kudan được sáng tạo nhờ sử dụng AI tạo sinh đã bị hiểu sai... Khi đọc nó, mọi người sẽ thấy rằng AI tạo sinh được đề cập tới trong tác phẩm. Trong tương lai sẽ xuất hiện những vấn đề với việc sử dụng như vậy, nhưng điều đấy không đúng với trường hợp của cuốn ‘Tokyo Sympathy Tower’.”
Tuy nhiên, dù một số người trên mạng xã hội bày tỏ hứng thú với việc sử dụng AI đầy sáng tạo của Kudan và càng quan tâm tới tác phẩm của cô hơn, những người khác nhận định điều này là “thiếu tôn trọng” với các nhà văn khác đã sáng tác mà không dùng công nghệ hỗ trợ.
Nguồn: