Tại một khu vực hẻo lánh ở phía bắc nước Tanzania châu Phi có một cái hồ bí ẩn. Bên bờ hồ rải rác xác chết của những con chim phải bỏ mạng vì rơi xuống mặt hồ chết chóc. Khi bị đánh dạt vào bờ, cái xác không hồn của chúng trông như đã bị biến thành đá.
Chào mừng tới với hồ Natron
Hồ Natron là một hồ muối, đồng nghĩa với việc nước trong hồ không có đường thoát nào ngoài việc bay hơi. Nó cũng có độ kiềm cực cao. Trong hồ có chứa natron – một hỗn hợp tự nhiên giữa natri cacbonat và natri bicacbonat (hay còn gọi là baking soda). Hợp chất này tiến nhập vào trong hồ thông qua sự xói mòn ở các con đồi gần đó.
Hàm lượng natron trong hồ khiến độ pH của nó rơi vào mức 10,5 – tương đương với của amoniac. Độ kiềm cao khiến nước hồ có những đặc tính kỳ lạ. Nó có thể dễ dàng làm bỏng hóa học các động vật không thích nghi được với điều kiện giàu natri cacbonat. Nhiệt độ nước hồ cũng có thể lên tới 60 độ C.
Bất chấp điều kiện sống khắc nghiệt, vẫn có các loài sinh vật sinh sống tại đây. Hệ sinh thái của hồ khá ổn định, gồm một số cá thể chim hồng hạc, ít nhất một loài cá và tảo. Những sinh vật này có thể là hậu duệ của những loài đã sống tại hồ trước khi môi trường hóa học của nó thay đổi. Chúng có lẽ là những loài sinh vật duy nhất có khả năng sinh tồn và thích nghi thành công với điều kiện sống khắc nghiệt và độc nhất vô nhị tại hồ này.
Nghĩa trang của loài chim
Bên bờ hồ chứa đầy xác của những con chim còn nguyên vẹn, bị hóa đá do sóng đánh dạt vào. Chúng dường như được bảo tồn gần như hoàn hảo, từ lông cho tới các bộ phận khác. Những xác chim trông giống như đang sống thật tới nỗi nhiếp ảnh gia Nick Brandt, người tới khám phá hồ này năm 2011, đã đặt chúng trong các tư thế như đang sống rồi chụp ảnh lại.
Điều gì tạo ra sự hóa đá?
Vẫn chưa rõ tại sao những con chim này lại chết. Một giả thuyết được Brandt đặt ra là mặt hồ lặng như gương khiến lũ chim bị nhầm lẫn và tưởng rằng đang bay trên một khoảng không. Điều này khiến chúng vô ý lao xuống hồ, cũng tương tự như việc chim thường đâm phải cửa sổ hoặc cửa kính xe hơi.
Nhưng lũ chim xấu số không bị hóa đá ngay lập tức khi tiếp xúc với nước. Điều này khá rõ ràng vì hồng hạc, và đương nhiên là cá, vẫn sống khỏe khi tiếp xúc với nước hồ mà không gặp vấn đề gì. Mặc dù vậy quá trình hóa đá xác chim diễn ra khá nhanh.
Nếu lũ chim bị chết và dạt vào bờ hồ, các lớp natri cacbonat sẽ khô lại trên người chúng, tạo thành một lớp muối trắng phủ lên làm chúng giống như bị “hóa đá.” Natri cacbonat cũng chính là một loại hóa chất được người Ai Cập cổ đại dùng để bảo quản xác ướp.
Sự lo ngại của giới bảo tồn thiên nhiên
Hồ Natron thu hút được nhiều sự chú ý của giới khoa học vì các sinh vật sống vẫn có thể phát triển trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt của nó. Tuy vậy, một số người đang lo lắng đến sự an nguy của hồ này. Hiện nay vẫn chưa có luật định nào được đặt ra để bảo vệ hồ và hệ sinh thái độc đáo của nó. Thậm chí còn có những đề xuất xây dựng một nhà máy thủy điện trên dòng sông cấp nước chính cho hồ. Điều này có thể tác động tới sự sinh tồn của loài hồng hạc tại đây.
Theo Trithucvn