Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN được Thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và công nghệ với Trung tâm Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng, trong đó có chức năng nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống của địa phương.


Trong thời gian qua đơn vị đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: nhân giống chuối Tiêu Hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô, phát triển giống bưởi Đại Minh từ cây đầu dòng..., cụ thể trong năm 2017 đơn vị đã triển khai nhiệm vụ sản xuất giống dưa lưới trong nhà lưới của đơn vị tại thành phố Yên Bái theo hướng áp dụng công nghệ cao (sử dụng biện pháp tưới nhỏ giọt, dinh dưỡng cung cấp qua hệ thống nước tưới, với hai phương thức trồng là trên nền đất và trên giá thể ...) nhằm mục tiêu đánh giá được khả năng sinh trưởng, phát triển, hiệu quả kinh tế của giống dưa lê đối với điều kiện khí hậu, thời tiết của địa phương và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc trước khi phổ biến, tuyên truyền và chuyển giao công nghệ cho người dân áp dụng vào sản xuất. Kết quả, qua quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã nắm bắt được kỹ thuật và hoàn tiện được quy trình trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện của địa phương.

Để chuyển giao nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất, năm 2018 đơn vị tiến hành chuyển giao xây dựng mô hình trồng giống dưa lưới PangipoRz - giống Hà Lan cho người dân trên địa bàn. Cụ thể đơn vị đã khảo sát và lựa chọn được hộ ông Nguyễn Trọng Sơn, thôn Đồng Tâm, Xã Liễu Đô, Huyện Lục Yên để triển khai xây dựng mô hình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Lục Yên chưa từng có hộ dân hoặc cơ sở sản xuất nào triển khai trồng giống dưa lưới và áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất dưa lưới vào sản xuất. Do vậy, chủ hộ tham gia mô hình vẫn còn hoài nghi, chưa thực sự tin tưởng triển khai trồng giống dưa lưới này và sản phẩm đầu ra sẽ tiêu thụ như thế nào?, chất lượng thế nào?, hiệu quả ra sao?, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra trước khi mô hình được triển khai thực hiện. Được sự tư vấn, thuyết phục của cán bộ kỹ thuật đơn vị, chủ hộ đã đồng thuận để cùng triển khai xây dựng mô hình. Trên cơ sở nguồn lực sẵn có mô hình được xây dựng với quy mô không lớn trên diện tích 1 sào (360m2). Trên diện tích này đã được người dân đầu tư nhà lưới chống côn trùng, hệ thống tưới nhỏ giọt đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật về độ thoáng, ánh sáng và cách ly công trùng xâm nhập để triển khai thực hiện mô hình. Nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho xây dựng mô hình là toàn bộ giống, phân bón, nilon che phủ và kỹ thuật để thực hiện.

Mô hình bắt đầu triển khai gieo trồng từ giữa tháng 9/2018, với mật độ 540 cây (hang đôi khoảng cách trồng: cây x cây: 0,6m; hang x hang: 0,7m). Trong quá trình triển khai thực hiện các công đoạn như vệ sinh vườn, xử lý đất, làm đất, lên luống, gieo hạt, trồng, bón phân, tưới nước cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây, thụ phấn cho hoa, định quả, treo quả … đã được cán bộ kỹ thuật của đơn vị bám sát chặt chẽ và hướng dẫn (cầm tay chỉ việc) để người dân nắm bắt được toàn bộ quy trình kỹ thuật.

Kết quả mô hình sinh trưởng, phát triển tốt phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của huyện Lục Yên và đặc điểm nông sinh học của giống, đến đầu tháng 12 năm 2018, sau 85 ngày gieo trồng giống dưa lưới đã bắt đầu cho thu hoạch, mỗi cây được để 1 quả, tỷ lệ đậu quả đạt được là 89,5%, trọng lượng trung bình đạt 1,5 kg/quả, độ Brix trên 13%. Sản lượng thu được trên trên diện tích 1 sào là 483 quả (tương ứng với khoảng 700 kg/sào/vụ). Hiện tại đây là mô hình mới duy nhất của địa phương, người dân đã tìm đến để thăm quan học tập và mua quả dưa lưới trực tiếp tại vườn. Chất lượng quả dưa được người dân đánh giá thơm ngon, mẫu mã đẹp và an toàn do được trồng trong nhà lưới cách ly vì vậy không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với giá bán lẻ tại vườn là 45.000 đồng/kg thì tổng thu nhập đã đạt được là 31,5 triệu đồng/sào/vụ. Với tổng chi phí trực tiếp là 13,960 triệu đồng (trong đó giống, phân bón là 9.200 triệu đồng và công lao động phổ thông là 4.760 triệu đồng), thì lãi xuất thu được sau khi trừ chi phí là 17,540 triệu đồng/sào/vụ, ngoài ra chưa cộng thêm toàn bộ nhân công lao động phổ thông của chủ hộ trực tiếp làm.

Kết quả trực tiếp của mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới được chủ hộ gia đình rất phấn khởi và thực sự tin tưởng vào việc trồng và chăm sóc giống dưa lưới theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ngoài ra thông qua quá trình triển khai thực hiện mô hình đã chuyển giao được toàn bộ quy trình kỹ thuật trồng giống dưa lưới trong nhà lưới để người dân tiếp nhận để áp dụng vào sản xuất.

Với quy mô không lớn, tuy nhiên đây cũng là mô hình trồng giống dưa lưới đầu tiên trên địa bàn huyện Lục Yên, là mô hình điểm để người dân tham quan học tập áp dụng vào sản xuất.

Tin tưởng rằng, từ những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng tại huyện Lục Yên nói riêng, trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung sẽ góp phần thay đổi nhận thứ, tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân dám mạnh dạn, đột phá trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích theo hướng bền vững.