Vừa qua, tại Hội trường Sở KH&CN đã diễn ra Hội nghị nghiệm thu dự án cấp tỉnh đối với dự án nông thôn miền núi do Trung ương quản lý “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và ớt đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế”
Dự án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang chủ trì thực hiện và do ông Nguyễn Tuấn, Kỹ sư Nông học, Phụ trách lĩnh vực trồng trọt Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang làm chủ nhiệm dự án. Đây là dự án thuộc Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016-2025”.
Mục tiêu của Dự án là ứng dụng KH&CN, kỹ thuật mới vào sản xuất giống lúa cấp xác nhận, đáp ứng nhu cầu sản xuất của vùng và các khu vực lân cận. Sản xuất lúa chất lượng cao và ớt đạt tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tiến đến xây dựng quảng bá thương hiệu, đồng thời nâng cao năng lực của người dân trong việc ứng dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học trong sản xuất lúa và ớt.
Nhận thấy được những hiệu quả mà ớt cay và lúa mang lại, tại huyện Phú Vang, lúa chất lượng cao và ớt đang được địa phương và người dân quan tâm. Tuy nhiên, nông dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, biện pháp canh tác chưa phù hợp. Đặc biệt trong công tác phòng trừ dịch hại, nông dân chủ yếu sử dụng thuốc hóa học chưa hợp lý gây ô nhiễm nông sản phẩm, để lại dư lượng thuốc hóa học trong gạo và ớt còn cao, cản trở xuất khẩu gạo, ớt ra thị trường quốc tế.
Kết quả, dự án đã nghiên cứu và thực hiện thành công một số nội dung: xây dựng được mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 5ha/vụ (2ha lúa HT1 và 3ha lúa BT17) và 30ha lúa thương phẩm/vụ (5ha lúa HT1 và 25ha lúa BT17); xây dựng mô hình sản xuất ớt an toàn chất lượng, đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 10ha và 135 hộ tham gia dự án; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận VietGAP trên giống ớt cho vùng sản xuất của bà con nông dân.
(Sở KH&CN Thừa Thiên Huế)