Để nâng cao hiệu quả kinh tế của măng Bát Độ, ông Lương Văn Bính - phó Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết, thời gian tới địa phương sẽ ứng dụng những tiến bộ KH&CN để mở rộng và phát triển vùng trồng tre Bát Độ.

Mục tiêu 600 ha trồng măng vào năm 2030

Ghé thăm vườn trồng tre Bát Độ của gia đình bà Đào Thị Hồng - thôn Bến Lường, xã Minh Sơn vào đầu tháng 12 khi vụ thu hoạch vừa kết thúc. Năm nay sản lượng măng của gia đình bà đạt 7 tấn với diện tích là 2 mẫu, giá măng đầu vụ khoảng 13.000 đồng/kg. Tư thương đến tận nhà mua, có bao nhiêu đến mua bấy nhiêu, rất dễ bán cho nên không lo ế, nhờ đó kinh tế gia đình đã thay đổi rõ rệt”, bà Hồng chia sẻ.

Theo ông Vũ Đình Thứ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, tổng diện tích tre Bát Độ lấy măng trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại là 130 ha, với hơn 300 hộ trồng. Diện tích cho thu hoạch năm 2017 là 44,2 ha, năng suất bình quân khoảng 900kg/sào (tương đương 25 tấn/ ha), sản lượng đạt 1.105 tấn.

Mùa thu hoạch măng kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 và tháng 11. Chỉ sau 1 năm trồng tre Bát Độ có thể bắt đầu cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt từ năm thứ 3 trở đi có thể cho thu hoạch với năng suất cao. Cùng với đó, việc trồng tre còn có tác dụng bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất đai tại các vùng ven sông, suối.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng tập huấn cách thu hái măng cho bà con. Ảnh: Văn Lương

Ông cũng cho biết, dù huyện Hữu Lũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang trong việc cung cấp măng Bát Độ. Nhưng hiện nay sản lượng măng của người dân chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, địa phương đã có kế hoạch phát triển vùng trồng tre Bát Độ lấy măng ở các xã dọc hai bên bờ sông Trung, sông Thương và các xã có diện tích lân lũng cạnh núi đá gồm: Minh Sơn, Minh Hòa, Nhật Tiến, Minh Tiến, Yên Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng, Tân Lập. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng đạt 300 ha, đến năm 2030 diện tích trồng đạt 600ha.

Để kinh doanh măng lâu dài, bền vững, các cơ quan chuyên môn của huyện như Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, trạm Khuyến nông huyện thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái măng, trong đó nhấn mạnh nên tiến hành vệ sinh vườn măng kết hợp vun đất, bón phân nhằm cải tạo đất, dùng phân hữu cơ và hạn chế dùng phân bón vô cơ. Vườn măng chỉ nên có hai thế hệ (cây mẹ và cây con) và có thể điều chỉnh được mật độ cây mẹ. Những cây mẹ già sẽ chặt hạ và đào gốc bỏ đi sau đó lại vun đất đầy và năm sau những chỗ đó sẽ có những cây măng mới mọc lên.

Tự chủ nguồn giống

Được biết, từ năm 2017 trở về trước, nguồn giống tre Bát Độ được mua chủ yếu ở Vĩnh Phúc nhưng nay huyện Hữu Lũng đã triển khai cho người dân các xã chủ động chiết cây giống tại địa phương và trên địa bàn huyện đã có hai hợp tác xã nhận sản xuất giống cho huyện (HTX dịch vụ nông nghiệp Quyết Thắng và HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Sơn). Do vậy, năm 2018, về cơ bản địa phương sẽ tự chủ về nguồn giống.

Tuy sản phẩm măng Bát Độ đã được Công ty G.O.C ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm yêu cầu về chất lượng sơ chế măng của doanh nghiệp nên hiện tại sản phẩm măng chủ yếu được bà con bán tươi cho các thương lái, giá cả không ổn định. Vì vậy, năm 2017 huyện Hữu Lũng đã xây một xưởng sơ chế măng tại xã Quyết Thắng, dự kiến năm 2018 xưởng sơ chế này sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng được yêu cầu của công ty và thị trường, từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế cho bà con trồng tre Bát Độ lấy măng.

Ông Bính cũng cho biết, hiện nay“việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm măng Bát Độ Hữu Lũng đã được triển khai. Và theo kế hoạch năm 2018 sẽ có nhãn hiệu tập thể, tạo nhiều cơ hội thuận lợi để thị trường măng Bát Độ Hữu Lũng sẽ ngày càng được mở rộng hơn”.