Vừa qua, Trung tâm Công nghệ Sinh học - Sở KH&CN tỉnh An Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo nhằm báo cáo kết quả đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh An Giang”.


Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng hoàn thiện quy trình nuôi tôm trong ruộng lúa luân canh, xác lập và ứng dụng hiệu quả công nghệ mạng cảm biến để kiểm soát và giám sát tốt điều kiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững mô hình nuôi.

Nghiên cứu thực hiện trong 9 ruộng lúa với 3 nghiệm thức (60 cm, 90 cm và 120 cm). Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng mạng cảm biến để theo dõi các yếu tố chất lượng nước như nhiệt độ, độ pH và DO đã chứng tỏ được sự hữu ích và chủ động trong việc giám sát và đánh giá các điều kiện môi trường của ao nuôi. Thí nghiệm còn ghi nhận, các yếu tố thủy lý hóa trong các ruộng nuôi biểu hiện khá phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm càng xanh (TCX). Khối lượng và tốc độ tăng trưởng cao nhất của tôm nuôi ở NT 3 cao nhất (63,47 ± 22,77 g/con và 0,61 g/ngày), kế đến là NT 2 (58,63 ± 21,90 g/con và 0,42 g/ngày) và thấp nhất ở NT 1 (55,40 ± 17,62 g/con và 0,53 g/ngày). Tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi cao nhất ở NT 3 (31,8 ± 0,8% và 1.590 ± 24 kg/ha) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p0,05) so với nghiệm thức 2, nhưng khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với nghiệm thức 1. Tỷ suất lợi nhuận trung bình ở các nghiệm thức dao động từ 32,5-85,0%.

Từ kết quả của mô hình này, cho thấy người nuôi tôm ở địa phương hoàn toàn có đủ năng lực tham gia sản xuất mô hình nuôi tôm càng xanh trong điều kiện môi trường nuôi bị nhiều tác động bất lợi, nhiệt độ tăng cao và thời gian kéo dài, vấn nạn hạn hán kéo theo nguồn nước cung cấp cho mô hình nuôi hạn chế.... nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm mô hình nuôi vẫn luôn đảm bảo được tính hiệu quả khi vận hành. Bên cạnh đó, giúp cán bộ cơ sở và nông dân địa phương nắm vững quy trình kỹ thuật công nghệ, gắn kết các giải pháp bảo quản, sơ chế, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm càng xanh. Đặc biệt, bằng việc hình thành mô hình ứng dụng mạng cảm biến sẽ giúp nông dân đo đạc, giám sát và quản lý môi trường vùng nuôi tôm có khả năng phát hiện sớm, nhận dạng được sự biến động của môi trường ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, hoạt động ăn mồi, trao đổi chất, hấp thu dinh dưỡng và tăng trưởng của tôm thích ứng với biến đổi khí hậu ở Thoại Sơn. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm càng xanh của An Giang…

Ngoài ra, đề tài còn khuyến khích các hộ nuôi tận dụng diện tích đất bờ ao nuôi tôm, để trồng các loại rau màu ngắn ngày. Hộ anh Nguyễn văn Châu đạt lợi nhuận từ trồng màu cao nhất là 54 triệu đồng, cộng với lợi nhuận thu được từ tôm là 123,7 triệu/ha, tổng lợi nhuận thu được là 177,7 triệu/ha. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng với mỗi hecta nuôi tôm, bà con trồng màu trên bờ ao cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ góp phần tăng thêm lợi nhuận cho người nuôi.