Nhờ nghề nuôi chim công (chim khổng tước), mỗi năm, anh Trần Văn Phương ngụ TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Ban đầu, anh Phương chỉ nuôi thử 4 con công cho vui. Sau đó, thấy nghề nuôi công thú vị, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô. Đến nay, trang trại của anh nuôi khoảng 200 con công. Mô hình chăn nuôi này giúp anh Phương kiếm được khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện tại, anh Trần Văn Phương đang sở hữu 2 trang trại, mỗi trang trại có khoảng 40 con và hàng trăm trứng đang ấp.
Anh Phương cho biết: “Chim non sau khi lấy từ lò ấp ra được nuôi trong lồng nhỏ, sử dụng lồng bằng lưới thép để nuôi. Tùy vào số lượng chim giống mà ta chuẩn bị máng ăn, bình nước uống và hệ thống bóng đèn sưởi ấp cho chim.Chim công mới nở ra có khả năng tự ăn như gà con, thức ăn sử dụng 100% cám tổng hợp dùng cho gà.
Sau 30 ngày tuổi, công có thể ăn kết hợp thêm với ngô, thóc nghiền theo tỉ lệ cám tổng hợp 70%, thực phẩm bổ sung 30%. Một con chim công giống nhỏ có giá khoảng 2 – 3 triệu đồng/con.
Tôi nuôi và cho công nuôi phối giống với công rừng hoặc lai giữa công má vàng với công xanh sẽ cho ra giống công đẹp hơn, có giá từ 10 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/con. Mỗi năm đàn chim công đem lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 1 tỷ.
Mỗi năm chim côngsinh 3 lứa, mỗi lứa khoảng 12 trứng, thường sinh sản vào cuối xuân và cuối mùa hạ. Chim công là loài động vật quý, rất hiếm người nuôi, nên giá thành khá cao. Mỗi cặp công bố mẹ nặng từ 5 – 6 kg có giá từ 25 – 30 triệu đồng/cặp. Chim công con khoảng 6, 7 tháng tuổi có giá 7 – 8 triệu đồng/cặp.
Những vật liệu làm chuồng tương đối đơn giản, được lấy từ vật dụng quanh ta như tre, nứa, hoặc dùng lưới bao xung quanh, làm vách ngăn. Để chim không bay ra khỏi lồng, người nuôi cần dùng lưới cước căng trên nóc. Để giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ, không ẩm thấp nên dùng cát vàng rải nền chuồng. Việc làm này không chỉ giúp chim công luôn được sạch sẽ mà còn giúp chim phòng ngừa giun, sán”.Theo anh Phương, nuôi công rất nhẹ nhàng, chăm sóc cũng không quá khó nhưng điều quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm. Anh nói: “Kích thước loài chim công tương đối lớn. Nhất là, đuôi chim công dài và rộng, mỗi khi xòe cánh cần một diện tích đủ rộng để con vật cảm thấy thoải mái. Thế nên, chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
“Nếu có điều kiện có thể thiết kế thêm phần sân phía trước để công có chỗ tắm nắng, vận động. Kỹ thuật nuôi chim công khó ở chỗ tìm giống. Bởi, đây là loài chim hiếm, nguồn giống tương đối khó nhập. Việc chăm sóc chim công cũng giống như chúng ta nuôi gà bởi chúng là loài ăn tạp. Thức ăn chủ yếu là lúa, bắp kết hợp với cám tổng hợp dùng cho gia cầm”, anh Phương chia sẻ thêm.
Theo anh Phương, chim công cũng có thể bị mắc một số bệnh của gia cầm thông thường như tiêu chảy, cúm… Song, sức đề kháng của chim rất tốt, rất ít khi bị bệnh. Nếu chim công bị bệnh, các chủ trang trại chỉ cần ra hiệu thuốc thú y nói triệu chứng là mua được thuốc điều trị ngay.Thức ăn dành cho chim công rất đơn giản. Chim công trưởng thành ăn tinh bột và rau, còn chim con ăn cám và sâu.
Ban đầu khi nuôi chim công, anh Phương gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa có nhiều kinh nghiệm. Chim công nuôi mãi vẫn không chịu lớn và sinh sản rất chậm.
Từng gặp khó khăn, hiểu được nỗi lo của nhiều người muốn nuôi nhưng chưa nắm kỹ thuật nên anh Phương rất tận tình chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn mọi người cách nuôi và chăm sóc chim công.