Cách trồng mới cho giống tỏi Lý Sơn
Xã Bình Thạnh có trên 600ha đất canh tác, nhưng chủ yếu là đất cát bạc màu nên các cây trồng chính như lạc, dưa hấu, vừng... cho thu nhập không cao. Để tìm ra giống cây trồng hiệu quả hơn, từ vụ đông xuân 2015-2016, huyện Bình Sơn đã triển khai đề tài “Thử nghiệm trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển xã Bình Thạnh” trên diện tích 1.000m2 của thôn Trung An.
Bà Vũ Thị Hải Yến - chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - cho biết, mô hình này sử dụng giống tỏi Lý Sơn nhưng không áp dụng quy trình đưa cát biển vào trồng như Lý Sơn. Thay vào đó, Bình Sơn áp dụng mô hình trồng tỏi ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) - sử dụng nguồn cát tại chỗ, chỉ cần bổ sung đất thịt phía dưới rồi phủ cát lên trên.
“Đất thịt được lót một lớp dày khoảng 5-10cm bên dưới rồi đầm thật chặt với mục đích giữ nước, sau đó bón một lớp phân lót rồi rải cát phủ lên. Sau 3 năm, nền đất này mới cần phải cải tạo, đổ thêm đất” - bà Yến nói và cho biết, thành công của mô hình là đã tạo được sản phẩm tỏi sạch nhờ sử dụng dầu khoáng SK để phun phòng trừ dịch bệnh cho cây tỏi với tần suất 15 ngày/lần, thay vì phun thuốc bảo vệ thực vật.
Phương pháp này giúp khống chế thành công sâu đục nõn và bệnh sương mai - những căn bệnh thường xuyên gây hại, làm giảm năng suất của tỏi Lý Sơn - mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người canh tác cũng như chất lượng môi trường.
Ông Đoàn Hà Yên - Phó Chủ tịch huyện, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Bình Sơn - cho biết: “Chúng tôi đang trồng theo mô hình tỏi sạch nên sản phẩm được các doanh nghiệp thu mua hết để làm tỏi đen xuất khẩu sang Nhật Bản - một thị trường rất khó tính”.
Thấy lợi, nhiều gia đình trồng tỏi
Ông Đoàn Hà Yên nhẩm tính, chi phí đầu tư ban đầu để trồng thử nghiệm 1.000m2 tỏi khoảng 40 triệu đồng, bao gồm chi phí cho 70m3 đất lót ở dưới, 80kg tỏi giống, cùng hệ thống giàn tưới nước.
“Chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng lợi nhuận thu lại khá lớn. Sau 4 tháng, từ 80kg tỏi giống cho thu hoạch 605kg củ tỏi. Sản phẩm được bán với giá bán trung bình từ 110.000-120.000 đồng/kg. So với các loại cây trồng truyền thống ở địa phương như vừng và lạc thì lợi ích kinh tế mà cây tỏi mang lại cao hơn rất nhiều lần. Mọi người thường nói đến cánh đồng 200-300 triệu đồng/ha, nhưng đó là tổng doanh thu trên 1 năm, trong khi với mô hình trồng tỏi này, người dân có thể thu lãi ròng lên đến 300 triệu đồng/ha chỉ trong 4 tháng. Những vụ sau, lợi nhuận sẽ tăng lên do chi phí đầu tư ít đi. Sau 4 tháng trồng tỏi, người dân có thể trồng xen những cây hoa màu khác” - ông Yên phấn khởi nói.
Vị phó chủ tịch huyện Bình Sơn cũng cho biết thêm, huyện đang kết hợp với một số doanh nghiệp ở TPHCM để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Cây tỏi trồng khoảng 2 tháng có thể thu hoạch cả thân và củ non để chế biến thành các món ăn. Như vậy, hiệu quả của việc trồng tỏi sẽ không còn phụ thuộc vào thời vụ và lợi nhuận của bà con sẽ cao hơn.
Ông Huỳnh Là - hộ nông dân tham gia mô hình thử nghiệm - hồ hởi khoe: “Trước đây tôi trồng một số loại cây khác như cỏ, dưa hấu nhưng không hiệu quả. Sau một vụ trồng thử nghiệm, tôi thấy cây tỏi thích nghi, sinh trưởng và phát triển rất tốt, củ to và độ nồng không kém gì tỏi Lý Sơn. Vì thế trong vụ đông xuân 2016-2017, gia đình tôi tăng diện tích trồng thêm 150m2”.
Ông Lê Tấn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - cũng nhận xét, kết quả tốt của vụ trồng thử nghiệm đầu tiên khiến bà con rất hào hứng. “Vụ đông xuân năm nay, xã có thêm 10 hộ trồng theo mô hình này, nâng diện tích trồng tỏi lên gần 2ha”. Nhìn toàn huyện Bình Sơn, theo ông Đoàn Hà Yên, mô hình này được nhân rộng lên 4ha từ vụ đông xuân 2016-2017, trong đó xã Bình Châu sẽ trồng 2ha. Ông tin rằng khi bà con nhìn thấy hiệu quả kinh tế của cây tỏi, họ sẽ tự nhân rộng trong những vụ mùa tiếp theo.