Để trồng dưa lưới công nghệ cao, người dân phải đầu tư 70 triệu đồng cho 1.000m2 đất mỗi vụ, chủ yếu là các chi phí về hạt giống, nhân công. Sau 65 ngày, họ thu hoạch được 2,5-3 tấn dưa, giá tại vườn là 30.000-35.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Di Linh - cán bộ kỹ thuật tại nông trại có 4ha dưa lưới công nghệ cao của ông Đoàn Việt Cường, xã Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh - cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới bước đầu cho kết quả khả quan.

Một vốn, bốn lời

Dưa lưới đang bán chạy nên được trồng nhiều ở các địa phương. Tuy nhiên, nếu trồng theo cách truyền thống trên ruộng, quả dưa không đẹp, năng suất không cao, cây dễ bị sâu bệnh, côn trùng tấn công. Do đó, trồng trong nhà lưới đang được xem là giải pháp hiệu quả.

Để đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao trên 1.000m2, chi phí ban đầu khoảng 400 triệu đồng, bao gồm tiền xây dựng nhà lưới và đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là công nghệ giúp tiết kiệm nước, phân bón vì cung cấp chất dinh dưỡng và lượng nước đến tận gốc, phù hợp với nhu cầu trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Hệ thống điều khiển tự động của nhà lưới giúp giảm bớt chi phí thuê nhân công chăm sóc.

Cây dưa lưới được trồng trên các bầu giá thể (trộn từ phân bò, tro, xơ dừa...), bên dưới là nền ximăng cách ly khỏi mặt đất. Mỗi cây được đặt cách nhau khoảng 20cm. Sau khoảng 65 ngày, dưa lưới được thu hoạch. Mỗi cây được cán bộ kỹ thuật để lại 1 trái, đạt trọng lượng trung bình từ 1,2-1,6kg/trái, năng suất khoảng 2,5-3 tấn/1.000m2. Mỗi năm, bà con có thể trồng tới 3-4 vụ dưa.

Thu hoạch dưa lưới tại Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương

Theo ông Nguyễn Di Linh, sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì 1.000m2 trồng dưa lưới công nghệ cao có thể cho lợi nhuận lên đến 200 triệu đồng/năm. Chỉ cần 2-3 năm sau khi đầu tư, người trồng dưa đã có thể thu hồi vốn. Mỗi nhà lưới có thể sử dụng trong khoảng 10 năm hoặc lâu hơn.

Người dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật

Nói về hiệu quả của việc trồng dưa lưới công nghệ cao đang triển khai tại tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Lai - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN Tây Ninh - cho biết, đã có nhiều mô hình được triển khai thành công tại địa phương. Riêng trung tâm cũng đang cùng với Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh xây dựng một mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.

“Hiện trung tâm đã hoàn thiện xong phần xây dựng cơ bản cho nhà màng để làm mô hình với diện tích 600m2. Chúng tôi sẽ triển khai 2 vụ trong năm” - ông Nguyễn Văn Lai chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ứng dụng tiến bộ KH&CN của Tây Ninh cũng cho biết, do nhìn thấy hiệu quả kinh tế cao của việc trồng dưa lưới, trong kế hoạch triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật về cấp huyện, nhiều địa phương trong tỉnh đã đăng ký triển khai mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong năm 2018. Có huyện đã triển khai từ cuối năm 2016, đầu năm 2017.

“Thông qua đăng ký từ các huyện, chúng tôi kết hợp với Hội Nông dân tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật cho những người dân có nhu cầu. Ngoài ra, với tất cả những người dân và nông trại có nhu cầu, trung tâm sẽ có cán bộ hướng dẫn chi tiết” - ông Lai cho biết.

Tuy nhiên, ông Lai cũng lưu ý một hiện tượng đáng ngại đối với các mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, đó là con bọ phấn chui qua được khe nhà lưới, gây bệnh héo lá. Do quy trình không sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo an toàn cho dưa nên bà con cần quan sát kỹ để phát hiện sớm và diệt trừ loại côn trùng gây bệnh này. Khi diệt sâu, phải bao trái lại để không ảnh hưởng đến chất lượng quả dưa. Với nhà lưới, phải khử trùng và bao chặt nhà lưới, đồng thời sử dụng chế phẩm xua đuổi côn trùng bằng cách ngâm tỏi, ớt sau đó pha loãng để xịt quanh nhà màng.