Dự báo đỉnh mặn tại các trạm đo chính của tỉnh Cà Mau bằng mô hình chuỗi thời gian mờ là đề tài nghiên cứu của các tác giả Dương Tôn Đảm, ĐH công nghệ thông tin TP.HCM, Võ Văn Tài, Phạm Minh Trực, ĐH Cần Thơ và Đặng Kiên Cường, ĐH nông lâm TP.HCM.

Mô hình chuỗi thời gian đề xuất được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn các mô hình đã có. Mô hình này cũng được sử dụng để dự báo đỉnh mặn đến năm 2020 cho mỗi trạm.

Dự báo độ mặn giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế

Cà Mau là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Năm 2016, tình hình hạn mặn ở nước ta nói chung và Cà Mau nói riêng diễn ra rất trầm trọng, là biểu hiện rõ ràng cho sự thay đổi bất lợi của khí hậu.

Tại tỉnh Cà Mau, nền nông nghiệp được phát triển theo hai hướng chính: trồng trọt và nuôi thủy sản. Cũng như một số tỉnh ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển nông nghiệp dựa vào nguồn nước ngọt, hay nguồn nước mặn là bài toán đã và đang đặt ra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Tại hội thảo ở Thành phố Cần Thơ năm 2016, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Để đề ra được một cơ cấu nông nghiệp hợp lý, hiệu quả phù hợp với địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp, phải kết hợp giải quyết nhiều bài toán phức tạp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với Cà Mau, việc dự báo được độ mặn cũng như mức độ xâm nhập của nó có ý nghĩa quan trọng. Khi có được những dự báo này, mới có cơ sở cho các chiến lược phát triển nông nghiệp hợp lý. Việc lập bản đồ cụ thể các vùng cho trồng trọt hay nuôi thủy sản để mang lại hiệu quả cao nhất cũng dựa trên cơ sở này.

Ngoài việc làm cơ sở cho nền nông nghiệp, dự báo liên quan đến độ mặn cũng làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, phát huy được lợi thế của tự nhiên. Theo địa lý, việc xâm nhập mặn của tỉnh Cà Mau chủ yếu qua ba con sông chính đổ ra biển: sông Gành Hào (GH), sông Ông Đốc (OĐ) và sông Cửa Lớn (CL). Khi biết đỉnh mặn tại 3 trạm này, sẽ biết mức độ cũng như sự xâm nhập mặn bên trong các vùng tỉnh Cà Mau.

Theo tìm hiểu của nhóm nghiên cứu, so với việc dự báo đỉnh lũ, dự báo về mặn ít được quan tâm hơn. Hằng năm, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Bộ có đưa ra những dự báo ngắn hạn cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cụ thể cho các trạm đo của tỉnh Cà Mau thì chưa được quan tâm. Do đó, nhóm nghiên cứu quan tâm đến việc dự báo đỉnh mặn tại các trạm đo chính của tỉnh Cà Mau.

Đỉnh mặn có khuynh hướng tăng

Đề tài đã đề xuất mô hình chuỗi thời gian mờ, trong dự báo đỉnh mặn tại 3 trạm đo chính của tỉnh Cà Mau: Gành Hào, Cà Mauvà Sông Đốc. Các tiêu chuẩn thống kê cho thấy mô hình đề nghị có ưu điểm hơn các mô hình chuỗi thời gian không mờ xây dựng từ số liệu gốc và số liệu mờ hóa. Các hình vẽ cho thấy, dữ liệu nội suy từ mô hình này khá sát với dữ liệu thực tế của quá khứ cho thấy tính tương đối hợp lý của mô hình xây dựng.

Sử dụng mô hình đề xuất, nhóm nghiên cứu đã dự báo đỉnh mặn tại 3 trạm đến năm 2020. Các kết quả dự báo cho thấy đỉnh mặn có khuynh hướng tăng trong những năm tiếp theo. Do đặc điểm của dữ liệu, mô hình dự báo xây dựng chưa thực hiện việc kiểm tra, tuy nhiên với những kết quả đã xây dựng mô hình ở trên, họ cho rằng kết quả dự báo là một thông tin đáng quan tâm. Mô hình chuỗi thời gian mờ với ưu điểm nổi bật dựa vào sự liên kết xác suất của dữ liệu, không đòi hỏi nhiều dữ liệu quá khứ, có thể áp dụng trong dự báo cho nhiều vấn đề thực tế khác.