Nuôi cá công nghiệp trên biển bằng lồng tròn theo công nghệ Na Uy ở Phú Quốc (Kiên Giang) bước đầu đạt được những thành công nhất định, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá của huyện đảo này.
Tỷ lệ sống gần 90%
Cuối năm 2016, sau khi được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận, Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Công ty Trấn Phú) triển khai giai đoạn 1 mô hình nuôi cá biển công nghiệp trên vùng biển thuộc xã Gành Dầu. Trên 3 ha diện tích mặt biển, công ty đầu tư 4 lồng tròn nuôi cá thương phẩm theo công nghệ Na Uy, với kinh phí đầu tư gần 650 triệu đồng/lồng. Toàn bộ quy trình nuôi, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bắc Ninh) chuyển giao.
Trong giai đoạn này, Công ty Trấn Phú thả nuôi 163.000 con cá chim trắng và cá hồng Mỹ. Sau hơn 7 tháng thử nghiệm nuôi trên vùng biển cách xa đất liền, 2 loài cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống chịu với môi trường tốt, tỷ lệ sống đạt gần 90%.
Nuôi cá công nghiệp trên biển bằng lồng tròn theo công nghệ Na Uy ở Phú Quố. Ảnh: Anh Phương.
Theo ông Thái Bảo Trấn, Giám đốc Công ty Trấn Phú, đầu tư lồng tròn tuy kinh phí cao nhưng đảm bảo độ bền, lồng có thể chịu được sóng lớn cấp 10, an toàn hơn so với cách nuôi lồng bè truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường biển và cung cấp được nguồn cá sạch cho thị trường.
Điều kiện thuận lợi
Kiên Giang có diện tích ngư trường trên 63.000 km2 với gần 200 km bờ biển, hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.737 lồng bè nuôi cá trên biển, đạt sản lượng trên 1.300 tấn, chủ yếu thả nuôi cá mú và cá bớp, tập trung ở vùng biển Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và TX.Hà Tiên.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè thương phẩm hiện vẫn còn quy mô nhỏ lẻ. Bè nuôi có kết cấu thô sơ, chủ yếu tự chế bằng gỗ và luôn phải di dời tránh gió bão theo mùa. Lồng tròn công nghệ tiên tiến đã được sử dụng thành công nhiều nơi ở nước ta. Do đó, phát triển nuôi cá biển công nghiệp sử dụng lồng này sẽ tạo điều kiện cho Kiên Giang khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển.
Ngoài điều kiện tự nhiên, nguồn thức ăn và nguồn cá giống đa dạng thì để phát triển bền vững nghề nuôi cá biển công nghiệp, cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết từ lồng nuôi đến thị trường tiêu thụ; người nuôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu để không chỉ cung cấp nguồn cá sạch cho thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, Kiên Giang cần tính đến quy hoạch vùng nuôi ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, giúp người dân làm giàu từ biển mà vẫn không ảnh hưởng đến môi trường du lịch.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết hiện nay, cùng với đầu tư phát triển du lịch, huyện xác định khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực quan trọng để vừa đa dạng các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách vừa tăng thu nhập cho cư dân trên đảo.
Huyện cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao chất lượng thủy hải sản. Đặc biệt chú trọng phát triển loại hình câu, thả kết hợp với nuôi thủy sản ven bờ, nuôi cá lồng bè trên biển để cung cấp nguồn thủy hải sản tươi sống, có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân và du khách.