Vừa qua, Hội đồng tư vấn do ông Trần Thiềm, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì xem xét, đánh giá, chấm điểm hồ sơ tham gia đăng ký giao trực tiếp đối với đề tài khoa học cấp tỉnh: "Nghiên cứu quy trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm Trà thảo dược hòa tan Giảo Cổ Lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ”.


Đề tài do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở chủ nhiệm, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Trị chủ trì thực hiện.

Đề tài hướng đến mục tiêu chung là nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hóa sản phẩm Trà thảo dược hòa tan Giảo Cổ Lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ.

Theo đó, đơn vị sẽ thực hiện các nội dung nghiên cứu cụ thể như: Đánh giá được thành phần hoạt chất, chất lượng của cây giảo cổ lam tại huyện đảo Cồn Cỏ. Thông qua đánh giá về điều kiện tự nhiên, phân tích các hàm lượng hoạt chất quý trong thảo dược; Nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ chiết xuất, nghiền sấy trộn sản phẩm trà hòa tan giảo cổ lam; Phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm phải đạt tối thiểu các thông số về: Mùi vị, Màu sắc nước pha, Độ ẩm thành phẩm: < 10%, ...; An toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm được đảm bảo; Đưa ra sản phẩm trà hòa tan giảo cổ lam được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng kí bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận do UBND Huyện đảo Cồn Cỏ là chủ thể quản lý; thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm trên thị trường; Phối hợp cung cấp sản phẩm cho huyện đảo Cồn Cỏ nhằm thương mại hóa giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện đảo đến với khách du lịch trong và ngoài nước; Ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp với huyện đảo Cồn Cỏ sản xuất sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên tại đảo; Quảng bá giới thiệu sản phẩm trên Kênh Nông sản sạch của VTV1, Đài truyền hình Việt Nam;....

Hội đồng KH&CN đánh giá: Việc ứng dụng hệ thống chiết xuất cô đặc tuần hoàn chân không và hệ thống sấy chân không vào sản xuất các sản phẩm từ thảo dược địa phương sẽ là một hướng đi mới giúp tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương với công nghệ và chất lượng cao. Từ đó, quảng bá và thương mại các sản phẩm đặc sản vùng miền, hỗ trợ cho việc bảo tồn các loại thảo dược bản địa và khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trồng thảo dược tại địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng đã góp ý và đề nghị đơn vị thực hiện tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để bổ sung, chỉnh sửa thuyết minh đề tài, sớm đưa vào triển khai thực hiện nghiên cứu.