Khoảng 80% lượng hạt tiêu bán ra vẫn ở dạng sản phẩm thô, được các thương lái mua với với giá thấp.
80% sản lượng được bán thô
Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Linh- cho biết, hiện diện tích trồng tiêu nằm trong vùng CDĐL của huyện rộng khoảng 1.200ha.
“Khi sản xuất, bà con hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nên chất lượng tiêu được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, năng suất hằng năm thường không ổn định do ảnh hưởng thời tiết; có năm được mùa, năm mất mùa. Điều đáng ngại là trong 1.500 tấn hạt tiêu khô thu hoạch mỗi năm, có đến 1.200 tấn được bán thô dưới dạng "vô danh" cho các đại lý, doanh nghiệp chứ không phải dưới dạng sản phẩm có CDĐL” - ông Dũng nói.
Ông Dương Mạnh Tường - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh hồ tiêu Quảng Trị - cho biết, hiện chỉ có một doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn địa lý "Quảng Trị" trên sản phẩm tiêu hạt của họ; còn tất cả bà con nông dân vẫn bán sản phẩm thô. Thực tế trên một phần xuất phát từ thói quen sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ của bà con, cũng như sự phụ thuộc vào các cơ sở tiêu thụ về đầu ra. Mặt khác, bà con cũng chưa nhận thức được lợi ích của CDĐL nên họ chưa đăng ký tham gia khai thác.
Về điều này, ông Dũng giải thích, Hội Sản xuất và Kinh doanh hồ tiêu Quảng Trị - đơn vị quản lý CDĐL này - mới được thành lập tháng 7/2017. Trước đó, chưa có tổ chức nào đứng ra tuyên truyền, hướng dẫn về CDĐL cho nông dân. Phòng NN&PTNT là cơ quan quản lý nhà nước nên chỉ có thể chia sẻ trong các cuộc họp chứ không có điều kiện tổ chức hội thảo mang tính chuyên đề cho bà con.
Mở rộng thị trường bằng các mô hình thương mại
Theo ông Tường, để cải thiện việc bán sản phẩm thô và không nhãn mác, trước mắt, Hội Sản xuất và Kinh doanh hồ tiêu Quảng Trị sẽ tập trung vào hoạt động tuyên truyền cho bà con về quyền lợi, trách nhiệm khi sử dụng CDĐL; hướng dẫn hội viên tuân thủ quy định về nhãn hiệu, hệ thống tem nhãn của CDĐL trên sản phẩm.
Ông Dũng gợi ý, muốn mở rộng thị trường, giúp bà con làm giàu từ cây tiêu, thời gian tới, Hội Sản xuất và Kinh doanh hồ tiêu Quảng Trị cần xây dựng phương án sản xuất cụ thể. Đặc biệt, khi bán sản phẩm, bà con phải sử dụng tem nhãn, bao bì, logo của CDĐL để tăng giá trị hàng hoá.
Theo ông Dương Mạnh Tường, thời gian tới, hội sẽ hỗ trợ các hội viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản hồ tiêu; tư vấn về mua sắm trang thiết bị sản xuất và bảo quản hồ tiêu, đánh giá quy trình quản lý nội bộ chuẩn; đào tạo, hỗ trợ kiến thức về thị trường, thương hiệu cho hội viên.
Để xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu mang CDĐL “Quảng Trị”, hội sẽ thiết lập các mô hình đầu tư thương mại với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm của các hội viên; hướng dẫn, hỗ trợ hội viên trong việc chuyển giao công nghệ, đầu tư kinh doanh.
“Tôi mong muốn các ban ngành quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ về quy trình sản xuất tiên tiến, kiểm soát dịch bệnh, chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm sau thu hoạch; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị thường trong nước và quốc tế; hỗ trợ các hoạt động về quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm hồ tiêu; đồng thời thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp khi phát hiện các hành vi vi phạm, xâm phạm theo quy định của pháp luật” - ông Tường bày tỏ.
Ngoài thị trấn Hồ Xá, xã Vĩnh Hiền, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Nam thuộc huyện Vĩnh Linh được bảo hộ CDĐL, trong thời gian tới, sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị sẽ tiếp tục được Nhà nước điều chỉnh hồ sơ bảo hộ CDĐL trên phạm vi rộng lớn hơn trên địa bàn tỉnh, dự kiến gồm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa.