Gần 2 năm qua nhờ 'bén duyên' với vịt trời, gia đình bà Nguyễn Thị Hai (TP.Cần Thơ) đã có cuộc sống ổn định.
Bà Hai (62 tuổi, ngụ KV.Thới Hưng, P.Thới An Đông, Q.Bình Thủy) kể trước đây đi làm thuê, cuộc sống rất khó khăn. Trong quá trình đó, bà từng nuôi vịt, gà nhưng hiệu quả không cao. Năm 2015, bà chuyển về quê chồng ở P.Thới An Đông sinh sống. Sau đó, được sự giúp đỡ của người em, bà mua 300 con vịt trời hậu bị và 300 con vịt 2 tuần tuổi từ một trang trại chuyên cung cấp vịt trời giống ở Đồng Nai về nuôi thử nghiệm.
Để chuẩn bị cho quá trình nuôi, bà Hai đã tìm hiểu khá kỹ kỹ thuật xây dựng trại, cách chăm sóc, cho ăn… nên đàn vịt trời nhanh chóng thích nghi với điều kiện thời tiết địa phương, hao hụt không đáng kể. Với diện tích đất khoảng 2.000 m2, trong đó có khoảng 1.000 m2 mặt nước, bà trồng lục bình, nuôi ốc để tạo môi trường gần với thiên nhiên cho vịt sống và tự tìm thêm thức ăn. Hơn 1 tháng sau, 300 con vịt thịt đến tuổi bán, bà tuyển chọn một số vịt trống đến chào hàng ở các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), với giá 160.000 đồng/con thì được thu mua hết và còn đặt hàng mỗi ngày hàng chục con.
Do nhu cầu thị trường cao mà nguồn cung không đủ đáp ứng nên bà Hai quyết định chuyển sang nuôi vịt đẻ để nhân giống, tạo nguồn vịt cung cấp cho thị trường. “Ban đầu, gia đình tôi định nuôi 300 con vịt thịt để bán. Nhưng thấy vịt khỏe mạnh, dễ chăm sóc, không bị dịch bệnh, tiêu tốn ít thức ăn và đặc biệt là nhu cầu thị trường quá lớn nên gia đình tôi quyết định nuôi vịt đẻ”, bà Hai chia sẻ.
Theo bà Hai, vịt trời là động vật hoang dã, rất thích bơi lội và bay rất giỏi, nhưng sau một thời gian thuần dưỡng chúng chỉ quanh quẩn trong khu vực nuôi. Với đàn vịt trời hiện có, chỉ cần một mình bà Hai chăm sóc, cho vịt ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, thu gom trứng và thả lục bình, thả ốc bươu vàng trong mương nuôi để bổ sung nguồn thức ăn cho vịt, giảm chi phí chăn nuôi. “Nếu muốn nuôi vịt đẻ phải xây dựng chuồng có mái che, cắt lá chuối khô treo lùm rải rác trong chuồng làm nơi cho vịt đẻ. Cần lót một lớp trấu dày khoảng 7 - 10 cm để đảm bảo vệ sinh, tránh ẩm ướt… Do tập tính của vịt trời đào rất sâu làm ổ nên phải lót bạt bên dưới để hạn chế trấu che lấp và tránh không cho trứng tiếp xúc với nền đất ẩm. Đặc biệt cần chú ý tiêm ngừa vắc xin đầy đủ để phòng bệnh cho vịt”, bà Hai chia sẻ.
Để việc nuôi đạt hiệu quả, bà Hai đã đầu tư 10 triệu đồng trang bị máy ấp trứng để vịt giống bảo đảm chất lượng, đạt tỷ lệ nở cao. Hiện gia đình bà thu hoạch trên 150 trứng vịt mỗi ngày, khoảng 3 - 4 ngày bà cho trứng vào lò ấp và cho ra gần 3.000 vịt con/tháng. Ngoài bán vịt con, bà Hai còn bán trứng vịt tươi, vịt thịt nên tổng thu nhập đạt hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Gia đình bà cũng vừa nâng tổng đàn vịt đẻ lên 1.000 con. “Thời gian tới tôi sẽ thả thêm một số loại cá dưới mương để cải thiện môi trường nuôi và tăng thu nhập cho gia đình”, bà Hai nói.
Hiện sau quá trình nuôi thử nghiệm và quảng bá trên thị trường, nhiều quán ăn, nhà hàng, cá nhân… đến gia đình bà Hai tìm hiểu đặt mua vịt thịt, vịt giống. Trong đó có nhiều người sau khi đến tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm đã quyết định mua vịt giống từ trại vịt của bà Hai về nuôi.
Riêng bà Hai cho biết với những kinh nghiệm có được, bà sẵn sàng chia sẻ để cùng với những người khác phát triển kinh tế gia đình. Người quan tâm có thể liên hệ bà Hai qua số điện thoại: 01216991076.