Vừa qua, tại huyện Sốp Cộp, Hợp tác xã Nam Phượng tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình nhân nuôi ong mật (Apis cerana) ở huyện Sốp Cộp”,đây là nội dung thuộc dự án do Hợp tác xã Nam Phượng chủ trì, TS Phạm Văn Anh làm chủ nhiệm.


Tham dự Hội thảo, có đại diện Sở KH&CN, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La, Trạm khuyến nông và các hộ gia đình tham gia dự án tại các xã Mường Và, Dồm Cang, xã Sốp Cộp của huyện Sốp Cộp.

Tại Hội thảo, nhóm thực hiện dự án đã báo cáo kết quả theo dõi phát triển của đàn ong mật nội (Apis Cerana) tại 2 xã Dồm Cang và Mường Và; báo cáo điều tra nguồn mật, phấn hoa, thành phần loài ong thuộc bọ cánh màng - Hymenoptera tại huyện Sốp Cộp. Kết quả sau gần 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã tổ chức tập huấn chuyển giao về kỹ thuật nuôi ong, nhân giống, giữ giống, phòng bệnh, khai thác bảo quản phấn hoa và mật ong, bàn giao 90 đàn ong giống và các dụng cụ nuôi ong cho 45 hộ dân tham gia dự án. Đến nay, số đàn ong tăng lên 386 đàn, qua nghiên cứu quá trình phát triển và sản xuất sản phẩm từ ong cũng như điều tra loài thực vật cung cấp mật, phấn hoa cho ong mật ở huyện Sốp Cộp năm 2017 cho thấy: Đàn ong phát triển tốt nhất vào mùa Xuân - Hè và kém phát triển vào mùa Thu - Đông, lượng mật ong thu hoạch nhiều nhất vào tháng 5/2017 và ít nhất vào tháng 11/2017. Loài thực vật có hoa rất đa dạng, phong phú với 126 loài thuộc 44 họ, có 11 loài có trữ lượng lớn, có khả năng cung cấp nguồn mật hoa chủ yếu để phát triển đàn ong.

Qua Hội thảo các hộ dân hiểu rõ hơn quy trình kỹ thuật nhân nuôi ong mật, giúp các hộ nuôi ong có hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như bảo vệ môi trường rừng, giảm thiểu tác động tiêu cực của cộng đồng địa phương đến tài nguyên rừng.

Sau Hội thảo các đại biểu và bà con nông dân được tham quan mô hình nhân nuôi ong mật tại xã Mường Và, cùng nhau trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật nhân nuôi đàn ong mật phù hợp với điều kiện địa phương.