Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang trồng thử nghiệm 1 ha đậu tương sử dụng phân bón lá nano, loại phân đã được bổ sung các thành phần kim loại và đất hiếm, giúp giảm đáng kể lượng phân bón thông thường, đồng thời cho năng suất và chất lượng vụ mùa cao hơn.

TS. Trần Thị Trường dẫn đoàn khảo sát xuống ruộng lấy mẫu phân tích. Ảnh: Phạm Phượng
TS. Trần Thị Trường dẫn đoàn khảo sát xuống ruộng lấy mẫu phân tích. Ảnh: Phạm Phượng

Nhà ông Nguyễn Văn Tằng có 4 sào đậu tương. Năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 12, ông phải gieo hạt muộn, đất trồng vì vậy cũng không được chăm bón bằng mọi lần. Tuy nhiên, do cây được sử dụng phân bón lá nano cho nên năng suất đậu thu hoạch vẫn tăng cao, chất lượng đậu cao hơn so với những vụ mùa trước.

Cầm trên tay những bó đậu tương mẩy hạt, thân dài, cứng cáp, quả to, đều, mỡ màng, ông Tằng vui mừng chia sẻ: “Bón phân qua lá, tôi thấy trước tiên là đảm bảo cây khỏe. Thực tế cây đậu rất dài, dài hơn cây trồng ở ruộng thường (không dùng phân bón nano – PV).”

Cùng đi với đoàn khảo sát xuống ruộng để kiểm tra, lấy mẫu và so sánh giữa cây đậu tương dùng phân bón nano và cây đối chứng, TS. Trần Thị Trường – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, phân tích: “Khi bón phân qua lá thì có thể phun kết hợp với thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn cây con. Tác dụng rất rõ rệt. Tỷ lệ đậu quả rất cao so với đối chứng. Quả chắc và tỷ lệ quả ba hạt cũng nhiều. Thời gian sinh trưởng chín sớm hơn so với đối chứng khoảng 2 ngày. Dự kiến năng suất sẽ tăng hơn so với đối chứng là trên 10% trong điều kiện chúng tôi đã giảm một nửa lượng phân đạm và phân bón kali.”

Chế phẩm phân bón nano qua lá bao gồm nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết trong từng giai đoạn phát triển của cây trồng như: sắt, mangan, coban, đồng, kẽm… được tạo ra từ các phương pháp hóa học và vật lý với kích thước nano mét (chỉ từ 2-3 nano mét).

Ưu điểm của phân bón lá nano là cây trồng dễ hấp thụ hơn so với các loại phân bón lá truyền thống vì kích thước nhỏ, dễ lan tỏa, phân tán và bám dính trên lá. Chỉ vài mililít, sau khi pha loãng ra với nước, có thể bón cho cả hecta cây trồng.

Cây đậu tương dùng công nghệ nano (ủ hạt giống, bón phân) so với cây đối chứng. Ảnh: Phạm Phượng
Cây đậu tương dùng công nghệ nano (ủ hạt giống, bón phân) so với cây đối chứng. Ảnh: Phạm Phượng

PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chủ nhiệm dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp”, cho biết: “Hạt nano vi lượng đóng vai trò như một yếu tố kích thích sinh học. Trong cây đậu tương có rất nhiều quá trình sinh hóa, bình thường thì nó không xảy ra nhưng khi có tác động của nguyên tố vi lượng có kích thước nano thì nó đánh thức tiềm năng và cây sẽ phát triển ở mức độ khác. Thứ nữa là bản thân cây trồng rất cần 8 loại nguyên tố vi lượng. Khi chúng ta phun lên lá các hạt nano vi lượng, lá cây hấp thụ và cây được bồi bổ chất dinh dưỡng, như vậy cây sẽ phát triển tốt và cho năng suất cao.”

Nhờ bổ sung phân nano, lượng phân đạm - lân - kali (đa lượng) cần sử dụng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, sức tăng trưởng và chống chịu sâu bệnh cũng đều đạt kết quả cao hơn hẳn cây chỉ dùng phân bón thông thường. Bởi vậy, đây được coi là giải pháp toàn diện cho cây trồng hiện nay.

Đặc biệt, trước khi được gieo trồng, hạt giống đậu tương cũng được ủ bằng nano sắt, đồng, coban để làm tăng các chỉ số về sinh trưởng và phát triển của cây so với đối chứng. Hạt giống được bọc bằng sản phẩm nano cũng có thời gian bảo quản lâu hơn.

Thí nghiệm trên quy mô đồng ruộng cho thấy hạt nano sắt là phù hợp nhất để xử lý hạt đậu tương trước khi gieo, cho năng suất tăng 12,5% so với đối chứng. Tiếp sau đó là coban và đồng, cho năng suất tăng từ 8,3-8,8 %.

Hướng đi mới để phát triển nông nghiệp hiệu quả và an toàn

Dự án của PGS.TS Nguyễn Hoài Châu gồm 3 mảng: thức ăn cho gia súc và phân bón dinh dưỡng cho cây trồng; vật liệu bảo vệ thực vật, chống bệnh dịch; và vật liệu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.”

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên – Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh giá: “Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài đã tiếp cận với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ đó đưa các kết quả nghiên cứu đến thử nghiệm trực tiếp tại các đơn vị này, và cho hiệu quả rõ rệt.

Các sản phẩm của đề tài cũng đều đã ký được thỏa thuận hợp tác, chính vì vậy sau khi nghiên cứu thành công thì việc ứng dụng ra thực tế sẽ rất thuận lợi.”

Dự án nghiên cứu chế tạo vật liệu nano trong nông nghiệp, do Viện Công nghệ Môi trường điều phối chính, là Dự án trọng điểm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ra đời từ năm 2015, đến nay dự án đã được 8 Viện thành viên cùng 8 Viện, Trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp tác thực hiện ở 18 tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Hà Nội, Quy Nhơn, Bình Định, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An,... Trong đó, riêng phân bón nano đã được áp dụng trên nhiều loại cây khác nhau như: ngô, tiêu, cafe, thanh long, đậu tương...

Bên cạnh trồng trọt, các sản phẩm nano cũng được ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Hạt nano sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi thay thế một số nguyên tố vi lượng dạng muối giúp vật nuôi dễ hấp thu, cũng như hạn chế tác dụng phụ của các muối kim loại trong thức ăn chăn nuôi.

Ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp đang được nhiều nước xem là hướng đi mới để phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, kinh tế, an toàn hơn, bởi vậy tiềm năng ứng dụng của dự án đang hết sức rộng mở.