Các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký tuyển chọn chuẩn bị hồ sơ như trong nội dung thông báo dưới đây.

Căn cứ Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 07/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh Thái Bình; thực hiện Quyết định số 3763/QĐ-UBND ngày18/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Danh mục đề tài, đề án khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng thực hiện từ năm 2020;

Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2020 như sau:

I/ Danh mục đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng tuyển chọn

1. Đề tài số 1:

Tên đề tài: Ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh Thái Bình.

Định hướng mục tiêu:

- Đánh giá hiện trạng tổ chức quản lý và khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Xây dựng phần mềm (cơ sở dữ liệu) trên nền tảng WebGIS có chức năng chính:

+ Số hóa, đồng bộ dữ liệu về hiện trạng công trình có thể khai thác và sử dụng trực tuyến trên Internet;

+ Kết nối trực tiếp với hệ thống vận hành và quan trắc thời gian thực ngoài thực địa tại một số vị trí thí điểm.

Yêu cầu đối với kết quả chính:

- Dự liệu về hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi được cập nhật mới và đồng bộ trên cùng một nền tảng thống nhất GIS

- Phần mềm quản lý và kho cơ sở dữ liệu được xây dựng trên công nghệ WebGIS cho phép vận hành trên mạng Internet để quản lý hồ sơ lý lịch công trình.

- Bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Thời gian thực hiện: Năm 2020.

2. Đề tài số 2:

Tên đề tài: Nghiên cứu hiện trạng sinh vật gây hại cây Trang (Kandelia obovata), cây Bần chua (Sonnerratia caseolaris) và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả, thân thiện với môi trường tại rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình.

Định hướng mục tiêu:

- Xác định thành phần loài sinh vật gây hại chính trên cây Trang và cây Bần chua trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Đề xuất giải pháp quản lý, phòng trừ loài sinh vật gây hại chính nhằm giải thiểu nguy cơ gây ảnh hưởng đến rừng ngập mặn;

- Xây dựng 01 mô hình quản lý loài sinh vật gây hại chính trên cây Trang và cây Bần chua tại tỉnh Thái Bình.

Yêu cầu đối với kết quả chính:

- Báo cáo thành phần; đặc điểm sinh học, sinh thái học của các loài sinh vật gây hại chính trên cây Bần chua (S.caseolaris), cây trang (K.obovata) tại Thái Bình.

- Các giải pháp quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại chính đối với cây Bần chua (S.caseolaris), cây trang (K.obovata) tại thái Bình

- 01 mô hình thử nghiệm giải pháp quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại chính trên cây Bần chua (S.caseolaris), cây trang (K.obovata) tại Thái Bình diện tích 01 ha.

Thời gian thực hiện: Năm 2020-2021

3. Đề tài số 3:

Tên đề tài: Nghiên cứu đặc điểm kiểu gen cagA, vacA và tính kháng thuốc, của chủng vi khuẩn Helicobacter Pylori ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng tại Thái Bình.

Định hướng mục tiêu:

Xác định đặc điểm kiểu gen, phân nhóm kiểu gen cagA, vacA của chủng vi khuẩn Helicobacter Pylori và mối liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở các bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, năm 2020 - 2021.

- Đánh giá tình trạng kháng kháng sinh của chủng vi khuẩn Helicobacter Pylori phân lập được ở các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng tại địa điểm nghiên cứu.

- Đề xuất việc lựa chọn loại kháng sinh sử dụng trong phác đồ điều trị Helicobacter Pylori tại các bệnh viện của Thái Bình.

Yêu cầu đối với kết quả chính:

- Các đặc điểm kiểu gen, phân nhóm kiểu gen cagA, vacA của chủng Helicobacter Pylori và mối liên quan với bệnh lý dạ dày tá tràng ở các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình.

- Tỷ lệ và nguyên nhân kháng kháng sinh loại metronidazole, clarithromycin của chủng Helicobacter Pylori ở các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng tại Thái Bình.

- Danh mục một số loại kháng sinh được đề xuất nên sử dụng trong các phác đồ điều trị Helicobacter Pylori tại các bệnh viện tỉnh Thái Bình.

- Tài liệu phục vụ công tác khám, điều trị và nghiên cứu áp dụng tại bệnh viện.

Thời gian thực hiện: Năm 2020-2021

4. Đề tài số 4:

Tên đề tài: Thực trạng và hiệu quả can thiệp chế độ ăn, hoạt động thể lực nhằm cải thiện một số yếu tố của Hội chứng chuyển hóa ở người trưởng thành tại tỉnh Thái Bình.

Định hướng mục tiêu:

- Đánh giá thực trạng hội chứng chuyển hóa (HCCH) và các yếu tố liên quan ở người trưởng thành từ 25-64 tuổi tại tỉnh Thái Bình năm 2020.

- Xác định hiệu quả can thiệp điều chỉnh chế độ ăn, hoạt động thể lực để cải thiện một số yếu tố của hội chứng chuyển hóa ở người trưởng thành từ 45-64 tuổi tại tỉnh Thái Bình.

Yêu cầu đối với kết quả chính:

- Bảng biểu, số liệu phân tích thực trạng Hội chứng chuyển hóa và tìm ra một số yếu tố liên quan tại tỉnh Thái Bình.

- Mô hình kiểm soát hội chứng chuyển hóa tại cộng đồng.

- Xây dựng quy trình hướng dẫn điều trị cho người có HCCH tại cộng đồng.

- Một số giải pháp cảnh báo sớm cho người mắc Hội chứng chuyển hóa tại cộng đồng.

Thời gian thực hiện: Năm 2020 - 2021

5. Đề tài số 5:

Tên đề tài: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để xây dựng Mô hình sản xuất muối biển bằng phương pháp bay hơi lập thể tại tỉnh Thái Bình.

Định hướng mục tiêu:

- Nghiên cứu các phương pháp sản xuất muối biển.

- Thiết lập quy trình sản xuất muối bằng phương pháp bay hơi lập thể.

- Ứng dụng công nghệ thiết bị tiên tiến, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất muối biển.

Yêu cầu đối với kết quả chính:

- Mô hình hệ thống thiết bị sản xuất muối biển bằng phương pháp bay hơi lập thể.

Thời gian thực hiện: Năm 2020- 2021

6. Đề tài số 6:

Tên đề tài: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP.

Định hướng mục tiêu:

- Đánh giá thực trạng chăn nuôi giống gà Tò tại tỉnhThái Bình;

- Chọn lọc, nuôi giữ đàn gà Tò giống hạt nhân;

- Xây dựng quy trình sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò phù hợp với điều kiện địa phương;

- Xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP.

Yêu cầu đối với kết quả chính:

- Báo cáo thực trạng chăn nuôi giống gà Tò tại tỉnh Thái Bình;

- Đàn gà Tò giống hạt nhân quy mô 150 con nuôi sinh sản cung cấp con giống phục vụ việc chọn tạo bổ xung đàn gà Tò hạt nhân và nuôi thương phẩm;

- Quy trình chọn lọc nhân giống gà Tò;

- Quy trình thụ tinh nhân tạo gà Tò.

- Quy trình ấp nở nhân tạo trứng gà Tò.

- 3 (Ba) mô hình chăn nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP với quy mô 300 con/1 mô hình.

- Quy trình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP.

Thời gian thực hiện: Năm 2020-2022.

II. Hồ sơ và việc tiếp nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn

Các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký tuyển chọn chuẩn bị hồ sơ theo các nội dung cụ thể như sau:

1. Định hướng mục tiêu, yêu cầu đối với kết quả chính của đề tài như trên.

2. Điều kiện tham gia tuyển chọn; yêu cầu với Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 07/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh Thái Bình.

(Các Văn bản và Mẫu Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ, địa chỉ http://www.sokhcn.thaibinh.gov.vn/).

3. Thời hạn nộp hồ sơ tham gia tuyển chọn: từ ngày 02/01/2020 đến ngày 07/02/2020. Ngày chứng thực nhận hồ sơ theo giấy tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình.

4. Nơi nhận Hồ sơ:

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình - Tầng 1 Nhà Triển lãm Thông tin tỉnh, Quảng trường 14/10 đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Kết quả tuyển chọn sẽ được thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Phòng Quản lý Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, Điện thoại: 0227.364.1596