Trước đây, người dân xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nhưng từ khi chuyển đổi sang nghề trồng nấm, đời sống bắt đầu ổn định và hiện nay khá giả.

Tìm đường thoát nghèo

Nói chuyện nấm, người Phú Lương thường nhắc đến ông Nguyễn Thụ, nguyên chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Năm 2000, ông Thụ đọc báo thấy nơi này nơi khác làm nấm, ông lấy tiền nhà đi học nghề. Ba năm thất bại, tiền của hao tốn, bà con còn tặng cho ông cái biệt danh “Thụ khói lửa”. Trót “đâm lao phải theo lao”, ông Thụ đi học ở Viện di truyền Hà Nội và Đà Nẵng, học xong về thực hành vẫn không thành công. Lâm thế bí, ông quyết định mời thầy “nấm” Phan Công Minh về nhà mình ăn ở và dạy… tại chỗ. Rồi như một điềm lành, cây nấm Phú Lương đã trổ mầm đúng ngày mồng 4 tết Bính Tuất (năm 2006).

Ban đầu, lèo tèo vài nhà làm nghề nấm ở thôn Giang Trung. Sau đó thấy trồng nấm vốn ít, nhanh thu hoạch, sản phẩm dễ tiêu thụ, mọi người bắt chước làm. Năm năm sau, từ số hộ đếm chưa đủ một bàn tay, bây giờ đã có 652 hộ (80%) làm nghề nấm, sản xuất trên 5.000 tấn nấm rơm, nấm sò, nấm đùi gà và nấm linh chi/năm. Bình quân mỗi gia đình làm 2 - 3 vòm, mỗi vòm đạt từ 30 - 40 kg nấm thành phẩm, sau khi bán trừ chi phí xong thu về 800.000 đến 1.000.000 đồng/vòm. Sản phẩm nấm linh chi “Phú Lương” đã được đăng ký thương hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Bây giờ nông dân đã biết giá trị cây nấm, các gia đình dù có đất hẹp, vốn ít cũng làm. Đặc biệt, sản lượng nấm rơm của Phú Lương đang tăng mạnh, do nhu cầu xuất khẩu đúng vào mùa vụ không trùng với những nước có sản lượng nấm rơm lớn trong khu vực. Một thuận lợi khác, khi giá thế giới giảm, nấm rơm vẫn có thể dự trữ dài ngày, chờ cơ hội. Nấm Phú Lương được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Hàn, Lào, Canada.

Những mùa “nấm ngọt”

Ông Nguyễn Chí Thân, hộ làm nấm linh chi ở thôn Giang Trung cho biết: “Chưa bao giờ người trồng nấm phấn khởi như năm nay, giá nấm ổn định và có chiều hướng tăng, hiện mỗi ngày xuất đi khoảng 1,5 tấn nấm, chủ yếu là nấm rơm, nấm mèo xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản... Năm nay, nhiều gia đình mở rộng cơ sở sản xuất, trồng nhiều nấm linh chi, là loại tiêu thụ mạnh trên thị trường, giá trị cao hơn hẳn nấm rơm, nấm mèo. Việc trồng nấm linh chi không khác nhiều so với trồng nấm mèo, nên các hộ trước đây đang trồng nấm mèo đã chuyển đổi sang trồng nấm linh chi mà không phải đầu tư thêm nhiều vốn. Một số vấn đề còn vướng mắc hiện chỉ chủ yếu tập trung vào khâu tạo meo nấm và đầu tư máy sấy hiện đại để đảm bảo độ ẩm cho sản phẩm”.

Chất lượng nấm của Phú Lương luôn ổn định, thương hiệu được đảm bảo. Theo người dân địa phương thì mùa nấm chính vụ thường kéo dài 5 tháng, bắt đầu từ tháng 7 (những tháng có thời tiết thuận lợi, mát mẻ). Ngoài ra, họ còn làm meo giống bán cho các địa phương khác. Nấm tươi bán ra trong nội địa quanh năm hút hàng, nấm khô để xuất khẩu vụ tết.

Được sự giúp đỡ của Trường đại học nông lâm Huế và HUSTA (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Thừa Thiên Huế), hướng dẫn kỹ thuật mới, do đó năng suất, hiệu quả tăng gấp đôi so với cách trồng nấm trước năm 2010. Mức lãi sau khi trừ tất cả chi phí thu được hơn 50%.

Bộ mặt nông thôn Phú Lương hôm nay đổi khác nhiều. Xóm làng trù phú. Huyện Phú Vang đang khuyến khích cho vay vốn, các hộ đầu tư, sản xuất quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.