Việc khôi phục, củng cố và phát triển nghề, làng nghề truyền thống trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tạo ra được nhiều sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống độc đáo,góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn.
Để thúc đẩy phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở KH&CN đã hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, đổi mới thiết bị để bảo tồn và phát triển; đồng thời hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống xác lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp; bố trí thực hiện các đề tài, dự án KH&CN cho các cơ sở sản xuất nhằm củng cố và phát triển nghề, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Song song với việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm đặc sản mang yếu tố địa danh ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã tăng cường hướng dẫn quản lý, sử dụng nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu sau khi được chứng nhận, trong đó có 9 sản phẩm đặc sản gắn liền với địa danh của 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành đăng ký, xác lập quyền về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng đã chú trọng công tác hỗ trợ về chiến lược xây dựng, quảng bá và giới thiệu sản phẩm đặc sản ở địa phương nhằm phát triển thương hiệu sau khi được chứng nhận. Sở đã phê duyệt việc triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường quảng bá, thương mại hóa sản phẩm các nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh” theo Quyết định số 217/QĐ-SKHCN ngày 26/7/2016 về phê duyệt nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở.
Bà Thái Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Sở KH&CN cho biết: "Sở KH&CN đã xây dựng website nghề, làng nghề tỉnh hướng đến mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng kênh thông tin để quảng bá và giới thiệu sản phẩm nghề, làng nghề Quảng Trị; tiến tới thương mại hoá, liên kết các thợ thủ công, các nghề, làng nghề trong tỉnh nhằm ổn định và phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương".
Ảnh minh họa.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 61 nghề, làng nghề, phân thành các ngành nghề, trong đó có nhiều làng nghề có sản phẩm nổi tiếng như: Làng nghề nấu rượu men lá, rượu cần, rượu Kim Long; chế biến hải sản, làm bún bánh, chổi đót, nón lá, giá đỗ, dệt thổ cẩm, khai thác đá, sản xuất cao chè vằng, nghề rè, nấu dầu tràm, làm mứt... Sự phát triển các nghề, làng nghề đã đóng góp tích cực vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, để tăng cường lợi thế cạnh tranh, bên cạnh việc xây dựng nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của địa phương thì công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Từ yêu cầu thực tế này, website nghề, làng nghề tỉnh Quảng Trị được xây dựng đảm bảo tính thống nhất, tính mở, linh hoạt và thân thiện với người sử dụng.
Kết quả của dự án sẽ được chuyển giao cho các địa phương nhằm phục vụ nhu cầu quản lý, quảng bá và phát triển các nghề, làng nghề và sản phẩm truyền thống. Sản phẩm có thể được chuyển giao theo phương pháp chuyển giao sản phẩm trọn gói và chuyển giao công nghệ có đào tạo cho các tỉnh khác có nhu cầu.
Thực tế, sản phẩm của nhiều làng nghề có chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, nhưng cách quảng bá để người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng sản phẩm là việc mà các hộ làm nghề và ban quản lý làng nghề cần quan tâm. Vì thế, với việc kết hợp các kênh quảng bá sản phẩm truyền thống như tham gia triển lãm, hội chợ... thì việc ứng dung CNTT xây dựng Trang thông tin điện tử langnghequangtri. com để quảng bá sản phẩm được xem là một kênh hữu ích để quảng bá sản phẩm trong bối cảnh hội nhập kinh tế và thương mại điện tử phát triển như hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Hùng, chủ Cơ sở sản xuất dầu tràm thôn Tân Minh, Gio Thành, Gio Linh cho biết: Tại cơ sở trung bình một tháng sản xuất từ 70 đến 100 lít dầu tràm đạt chất lượng tốt nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường so với các tỉnh khác còn khó khăn. Cơ sở mong muốn Sở KH&CN hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thúc đẩy quảng bá sản phẩm để đưa sản phẩm dầu tràm của thôn Tân Minh ra thị trường. Xây dựng thương hiệu đã khó, phát triển thương hiệu còn khó hơn, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư và chiến lược lâu dài. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường quảng bá, thương mại hoá sản phẩm các nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh là một hướng đi đúng, phù hợp với với xu hướng ngày nay nhằm khai thác tối đa thành quả mà KH&CN mang lại để phục vụ cho người dân.
Trang thông tin điện tử nghề, làng nghề Quảng Trị ra đời là một trong những hình thức quảng bá sản phẩm sâu rộng và nhanh nhất hiện nay, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nghề, làng nghề; là bước đột phá và là địa chỉ tin cậy cho các hộ sản xuất, làng nghề đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm để mở rộng thị trường; tạo niềm tin cho khách hàng về thông tin sản phẩm, hàng hóa, góp phần thúc đẩy các nghề và làng nghề phát triển.