Cây vằng có mặt khắp nơi trên mọi miền đất nước nhưng chỉ có ở Quảng Trị mới có sản phẩm cao lá vằng nổi tiếng được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Từ lâu, người dân vùng gò đồi Quảng Trị đã chế biến lá vằng thành dạng cao và được tiêu thụ rộng rãi.

Tuy nhiên, chế biến cao lá vằng bằng phương pháp truyền thống có nhiều nhược điểm như không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đun lá vằng ở nhiệt độ quá cao làm mất đi nhiều tinh chất quý trong lá vằng…

Để giữ được giá trị các hoạt tính sinh hoạt, giá trị dược liệu trong sản phẩm cao lá vằng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Trị nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm tinh chất chè vằng. Theo phương pháp chế biến truyền thống, cây vằng thu hoạch thân, lá, đưa vào nấu thành cao ở nhiệt độ trên dưới 100oC. Với nhiệt độ này, một số hoạt chất của chè vằng sẽ bị ô-xy hóa một phần, do đó giá trị dược liệu sẽ bị giảm. Mặt khác, việc nấu cao lá vằng của các hộ gia đình đều sử dụng các loại chất đốt tự nhiên như củi, than nên chất lượng không đồng đều, có khi bị cháy, nhiễm bụi khói.

Ảnh minh họa.

Để hạn chế nhược điểm cơ bản này, năm 2016, Sở KH&CN Quảng Trị chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nghiên cứu quy trình chiết xuất tinh chất từ cây chè vằng với sự phối hợp của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Đến nay, Trung tâm đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm tinh chất chè vằng hòa tan.

Để sản xuất và thương mại sản phẩm, trung tâm đã phối hợp với Công ty Đất La Vang xây dựng vùng nguyên liệu 5 ha tại vùng La Vang, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho hệ thống sản xuất của trung tâm. Vùng nguyên liệu được áp dụng phương thức canh tác sạch, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời sử dụng nước tưới và phân bón sạch nên kiểm soát hoàn toàn chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Quy trình chiết suất chè vằng được thực hiện theo từng phân đoạn với các thiết bị hiện đại. Nguyên liệu trước khi đưa vào chiết xuất (tinh chế) được rửa sạch bằng máy rửa dược liệu. Nguồn nước sử dụng chiết suất cũng được lọc kỹ bằng công nghệ màng RO. Quá trình chiết suất được thực hiện trong hệ thống chiết suất - cô đặc tuần hoàn chân không sau đó sấy khô bằng hệ thống vi sóng chân không. Ưu điểm của công nghệ này là thực hiện ở nhiệt độ thấp do đó sản phẩm sẽ giữ lại được các giá trị dược liệu, sản phẩm hoàn toàn 100% từ thiên nhiên, độ ẩm thấp (dưới 10%), hiệu quả chiết xuất cao và đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Đào Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Trị cho biết: với nghiên cứu tách chiết theo công nghệ chân không, các phân đoạn, đánh giá và thử hoạt tính sinh học, với nồng độ, thời gian và nhiệt độ tối ưu là phát triển được sản phẩm tinh chất chè vằng có giá trị dược liệu cao nhất có lợi cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho cây chè vằng Quảng Trị. Để đảm bảo các điều kiện sản xuất thương mại và tiếp cận thị trường cho sản phẩm, trung tâm đã xây dựng hệ thống nhận diện và đăng ký sản phẩm như: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; lập website http://elib.dostquangtri.gov. vn/ttudqt/index.aspx, thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác và đóng gói sản phẩm … Vào giữa tháng 8/2017, trung tâm sẽ giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Với việc ứng dụng KHCN tiên tiến trong tất cả các khâu từ trồng, thu hoạch, chế biến, sản phẩm “Tralavang” hòa tan chắc chắn sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là một hướng mới trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất.