Chính phủ vừa thống nhất việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), sau khi thảo luận nội dung này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10.

Khu vực trung tâm TPHCM. - Ảnh: VNE

Trước đó, hôm 29/9, Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp cũng thống nhất các nội dung dự thảo nghị quyết. Ngày 25/9, Bộ Nội vụ cũng đã chủ trì hội nghị thẩm định đề án này và 100% số đại biểu đồng ý thông qua…

Theo UBND TPHCM, với quy mô dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước, với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền Thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân và doanh nghiệp nhanh và chính xác, được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại.

Đồng thời, do hoạt động kinh tế ở Thành phố có tính chất liên thông, liên kết và thường xuyên thay đổi giữa các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, cấp - thoát nước, xử lý rác thải, giao thông công cộng, y tế, giáo dục đòi hỏi phải được quy hoạch và thực hiện thống nhất, đồng bộ toàn Thành phố, không phụ thuộc vào địa giới hành chính các quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Với các biến động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư tăng nhanh sẽ cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại, có khả năng lập kế hoạch, sử dụng các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ, hiệu quả cao, đáp ứng nhanh.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải được rút ngắn thời gian, quy trình xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện thống nhất trong các cấp chính quyền toàn Thành phố.

Cơ sở pháp lý và thực tiễn vững chắc

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ, làm rõ hơn các nội dung nói trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố tiến hành xây dựng đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố nhanh và bền vững trong thời gian tới; đồng thời, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị được Thành phố ấp ủ từ năm 2007 và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai thực hiện.

Đến nay, các quy định mới nhất của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ 1/7/2020 và những quy định hiện hành khác đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho đề án tổ chức chính quyền đô thị TPHCM. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã có các nghị quyết về không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội và Đà Nẵng, đây là những tiền đề hết sức quan trọng cho TPHCM xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Mặt khác, từ năm 2009 đến 2016, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, TPHCM thí điểm ở tất cả các huyện, quận, phường, (24 quận huyện và 259 phường), là địa phương thực hiện thí điểm với quy mô lớn nhất cả nước. Đánh giá tổng kết thí điểm hơn 6 năm thực hiện thí điểm tại TPHCM đã cho thấy nhiều kết quả tích cực và đây là cơ sở thực tiễn để Thành phố xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, cùng với đề án thành lập thành phố Thủ Đức đang được triển khai, đề án tổ chức chính quyền đô thị TPHCM hướng tới nhiều mục tiêu.

Bên cạnh mục tiêu tinh gọn đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát tiển nhanh và bền vững của Thành phố, thì nghị quyết khi được Quốc hội thông qua sẽ tác động tích cực đến sự phát triển KTXH của Thành phố, nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với tính chất, đặc điểm của một đô thị đặc biệt.

Đồng thời, kết quả thực hiện sẽ cung cấp thêm cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện chủ trương, pháp lý trong việc xây dựng, nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị nói chung và chính quyền địa phương nói riêng.

Đề xuất không thí điểm

Một điểm đáng chú ý, tên gọi của dự thảo nghị quyết trình Quốc hội là “Về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh”, tên gọi này không có từ “thí điểm”.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đều bày tỏ thống nhất với điểm này. Lý do là, dự thảo nghị quyết được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương đã có hiệu lực từ 1/7/2020, trong đó cho phép Quốc hội quyết định các trường hợp cụ thể trong tổ chức chính quyền địa phương tại quận, tại phường. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định Quốc hội được ban hành nghị quyết về vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Mặt khác, TPHCM cũng đã có cơ sở thực tiễn trong nhiều năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện phường. Ngoài ra, nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết cũng được kế thừa các nội dung đã được Quốc hội thông qua trong nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Nội vụ cũng cho rằng, nghị quyết khi được Quốc hội thông qua và triển khai thực hiện sẽ giúp bộ máy chính quyền Thành phố gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo đòn bẩy tích cực phát triển kinh tế của TPHCM, có tác động lan toả đến sự phát triển của khu vực.

Bộ Nội vụ dự báo khi nghị quyết được thông qua có thể sẽ tạo sự xáo trộn trong tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền và tồn tại nhiều ý kiến băn khoăn trong việc đảm bảo quyền đại diện, thực hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là các vấn đề mà Trung ương và Thành phố đã có kinh nghiệm chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách và phương thức quản lý mới trong gian đoạn 2009 - 2016 khi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Sau cuộc họp, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị quyết; phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho phép xây dựng, ban hành dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; thực hiện việc trình dự thảo nghị quyết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.