Biết tin anh Ngọc nuôi được giống gà rừng lạ, nhiều dân chơi gà cảnh tìm tới hỏi mua với giá vài triệu đồng mỗi cặp.

Theo anh Nguyễn Bảo Ngọc (35 tuổi, trú tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), cuối năm 2013, anh đến nhà một người bà con ở Ninh Sơn (Ninh Thuận) chơi thì vô tình nhìn thấy đàn gà rừng của một người dân gần đó có 2 con (1 trống, 1 mái) màu sắc rất lạ.

14-39-08_1
Sau hơn 3 năm nhân giống đàn gà rừng độc, lạ của anh Ngọc đã được khoảng 100 con

“Hai con gà rừng này có lông màu trắng tinh chứ không phải lông ngũ sắc như bình thường chúng ta hay gặp. Từ trước tới nay, tôi chưa hề nhìn thấy gà rừng màu lông như thế này bao giờ cả. Thấy tôi thích nên ông ấy liền biếu tôi 2 con gà đó về nuôi”, anh Ngọc cho biết.

Vì 2 con gà này vừa bẫy được ở trên rừng về nên anh Ngọc phải mất một thời gian tương đối dài mới có thể thuần hóa được. Khi đã quen với môi trường sống mới thì cặp gà này bắt đầu sinh sản. Những lứa gà con sau đó anh đều giữ lại nuôi để tiếp tục nhân giống. Để tăng số lượng đàn nhanh hơn và tránh giao phối cận huyết, anh Ngọc liền mua thêm gà rừng bố mẹ màu sắc bình thường về cho giao phối chéo với nhau.

“Gà rừng có lông bình thường khi giao phối với gà rừng lông trắng thì tỷ lệ màu lông bình thường trội hơn. Cứ khoảng 10 gà con thì mới có được 3 con có màu lông trắng. Thế nên, để có số lượng đàn tăng lên nhanh, tôi phải cho phối giống rất nhiều. Trong quá trình chăm sóc và theo dõi sự phát triển của giống gà lông trắng này, tôi nhận thấy so với giống gà bình thường, chúng có sức đề kháng cao hơn, ít khi bệnh tật. Nhiều lần trời mưa to, nước ngập hết nền nên gà cứ bay lên cây đậu. Hai ba ngày đứng giữa mưa như thế mà không việc gì”, anh Ngọc nói.

14-39-08_2
Với mỗi cặp gà trưởng thành, giá từ 5 - 6 triệu đồng

Một ưu điểm của giống gà rừng lông trắng mà anh Ngọc đang nuôi nữa là thịt rất thơm ngon. Sau khi cho cả gia đình ăn thử và cảm nhận được hương vị đặc biệt của thịt gà rừng trắng, anh Ngọc liền đưa đến các nhà hàng trên địa bàn TP Nha Trang (Khánh Hòa) để giới thiệu cho khách dùng thử. Sau đó, anh được quản lý các nhà hàng cho biết thực khách sau khi ăn đều rất thích và ngỏ ý muốn anh cung cấp giống gà này làm thương phẩm. Tuy nhiên, vì số lượng đàn không nhiều nên anh chưa tính đến phương án nuôi gà rừng trắng bán thịt.

Sau hơn 3 năm nhân giống liên tục, hiện tổng đàn gà rừng lông trắng của anh Ngọc đã lên đến hơn 100 con. Được biết, giống mà anh đang nuôi có 2 loại khác nhau là gà trắng chân vàng và gà trắng chân xanh. Trong đó, gà trắng chân xanh thường có giá cao hơn bởi da chúngcó màu đen chứ không phải màu vàng thông thường. Thịt của gà chân xanh cũng ngon hơn nên dù bán thương phẩm hay bán nuôi cảnh đều có giá cao hơn gà chân vàng.

Không chỉ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao từ bán gà rừng trắng thương phẩm mà đến thời điểm hiện tại, khi biết thông tin về giống gà lạ của anh Ngọc, nhiều dân chơi thú cảnh cũng tìm đến hỏi mua với giá từ 5 - 6 triệu đồng/cặp. Tuy nhiên,số lượng anh bán ra cũng rất ít. Nhiều cuộc điện thoại gọi đến hỏi mua nhưng anh đều từ chối vì sợ bán rồi sẽ mất đi nguồn giống khi mà số lượng gà hiện tại vẫn chưa nhiều.

14-39-08_3
Gà rừng lông trắng có 2 loại là gà chân trắng và gà chân xanh

Biết được giống gà rừng lạ của anh, một đại gia người Thái Lan đã tìm tới tận nhà ngỏ ý hỏi mua cả đàn gà này với giá 22.000 USD (gần 500 triệu đồng) nhưng anh cũng từ chối.

“Nếu bán hết rồi thì tôi lấy gì mà nhân giống nữa. Định hướng của tôi là phát triển đàn gà thương phẩm nên tôi quyết định giữ lại", anh Ngọc tâm sự.